Tham dự lễ có Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng Văn phòng chương trình phòng chống bệnh dại trên người (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế), đại diện Viện Pasteur Nha Trang, đại diện các sở ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị, thành phố. Hơn 300 đoàn viên thanh niên, học sinh và sinh viên cũng có mặt tại buổi lễ này.
Theo đó, Lễ mít tinh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như cuộc thi tìm hiểu về bệnh dại dành cho học sinh, cung cấp thông tin và kiến thức phòng chống bệnh dại. Ngoài ra, đại diện các bộ ngành và đoàn thể đã ký cam kết chung tay phòng chống bệnh dại, khẳng định sự quyết tâm trong việc ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này. Sự kiện còn bao gồm chương trình tiêm vắc xin phòng bệnh dại miễn phí cho chó, mèo, cùng các quầy tư vấn, truyền thông về các phương pháp phòng chống bệnh dại trên người, và diễu hành tuyên truyền trên các tuyến phố.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh rằng việc tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống bệnh dại ở cấp quốc gia được tổ chức tại Phan Thiết là một điểm nhấn quan trọng. Sự kiện giúp người dân hiểu thêm về tác hại của bệnh dại và các biện pháp phòng ngừa để tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh trên toàn tỉnh.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, khẳng định sự kiện mang ý nghĩa thiết thực, giúp người dân và các đoàn thể chính trị - xã hội nhận thức rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, đồng thời tăng cường ý thức phòng ngừa. Sở sẽ chỉ đạo ngành Thú y tỉnh tăng cường công tác phòng chống dại, đồng thời tham mưu UBND tỉnh để thực hiện các mục tiêu của Chương trình Quốc gia Phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022 – 2030.
Được biết, bệnh dại là căn bệnh truyền nhiễm chết người, do vi-rút dại gây ra, chủ yếu lây lan qua vết cắn, cào của chó, mèo và các động vật có vú nhiễm bệnh. Một khi các triệu chứng dại đã xuất hiện, bệnh gần như không thể chữa khỏi, và người mắc sẽ tử vong. Để phòng tránh, việc tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị động vật nghi nhiễm bệnh cắn là cực kỳ quan trọng.
Theo Hệ thống Quản lý Thông tin Dịch bệnh Động vật Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến ngày 14/10/2024, cả nước đã ghi nhận 299 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 35 tỉnh, thành phố, với 573 động vật mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy. Các địa phương chịu ảnh hưởng bao gồm Bình Thuận và các tỉnh lân cận như Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng chú ý, trong cùng thời gian, Bình Thuận ghi nhận 9 ca tử vong ở người nghi do bệnh dại, con số cao nhất cả nước.