Chuyện hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số Tánh Linh

11/10/2024, 06:03

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân, huyện miền núi Tánh Linh phát huy nguồn lực từ các dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Qua đó, đem lại diện mạo mới khang trang, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS huyện Tánh Linh.

Những giấc mơ thành hiện thực

Thị trấn Lạc Tánh có 3 khu phố đồng bào DTTS sống tập trung, gồm khu phố Chăm, khu phố Trà Cụ và khu phố Tân Thành. Giai đoạn 2021 – 2025, khu phố Trà Cụ và Tân Thành đang xếp vào thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với đặc điểm này, Lạc Tánh thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chỉ sau La Ngâu, Măng Tố, là 2 xã thuần đồng bào DTTS của huyện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc triển khai các chương trình chính sách, dự án, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719, đã tạo nguồn lực để thúc đẩy các khu phố, xã thuần đồng bào DTTS phát triển đáng kể. Người dân đang từng bước thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống nhờ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chị Ngô Thị Nhung, người dân tộc Nùng tại khu phố Tân Thành, là một ví dụ điển hình. Sau nhiều năm sống trong cảnh thiếu thốn, căn nhà vách đất tạm bợ. Cuộc sống khó khăn, nhất là khi con ốm đau, khiến ước mơ về một mái nhà ổn định ngày càng xa vời. “Vào tháng 12/2023, gia đình chị được vay 40 triệu đồng để xây nhà theo Nghị định 28 và 40 triệu đồng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo Dự án 1 hỗ trợ nhà ở theo chương trình MTQG 1719 để xây dựng nhà ở mới. Cùng với số tiền tích góp và vay mượn thêm từ người thân, sau bao nhiêu năm chờ đợi giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố đã trở thành hiện thực”, chị Nhung chia sẻ với niềm hạnh phúc.

Chị Nhung trong căn nhà xây mới thụ hưởng từ chương trình 

Còn với chị Hoàng Thị Liễu, sinh năm 1994, là người dân tộc K’ho, cư trú tại Bản 2, xã La Ngâu thuộc diện hộ nghèo, được hưởng chính sách cho vay chuyển đổi nghề với lãi suất ưu đãi chăn nuôi trâu. Chị Liễu nhớ lại cảm xúc khi nhận được tin UBND xã đã xét duyệt hồ sơ vay vốn của gia đình, trình lên UBND huyện. “Khi được giải ngân 70 triệu đồng, tôi thật sự rất vui mừng vừa lo lắng quyết tâm làm sao sản xuất cho hiệu quả trả nợ đúng hạn và cải thiện cuộc sống cho gia đình. Tôi biết ơn sự hỗ trợ từ chính sách của Đảng và Nhà nước tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Đối với những hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi như chúng tôi, điều này tiếp thêm nguồn lực để dám mạnh dạn đầu tư và tin tưởng cải thiện cuộc sống trong tương lai”.

Vùng đồng bào DTTS huyện Tánh Linh.

“Điểm sáng” phát huy nguồn lực chương trình

Tánh Linh là một trong những huyện được tỉnh phân bổ nguồn kinh phí lớn để triển khai Chương trình MTQG 1719. Nguồn kinh phí này đã giúp địa phương hoàn thiện nhiều công trình, dự án và chính sách quan trọng, tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS, với các chính sách thiết thực và nhân văn. Đặc biệt, Dự án 1 về hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề và vay vốn theo Nghị định 28/NĐ-CP/2022 đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đời sống của bà con. Huyện Tánh Linh đã tích cực chỉ đạo và điều hành chương trình, duy trì các cuộc giao ban hàng tháng để nắm bắt tình hình và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Các xã, thị trấn cũng được chỉ đạo củng cố và kiện toàn Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án. Nhờ sự chủ động và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, kết quả giải ngân của Tánh Linh đạt mức cao so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của vùng đồng bào DTTS.

Ông Hà Việt Quân - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 khảo sát dự án vay vốn tại huyện.

Tính đến nay, tổng vốn chương trình giai đoạn 2022-2024 là hơn 89 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 61 tỷ đồng, tương đương 68,5%. Vốn sự nghiệp giải ngân 58,71%, trong khi vốn đầu tư đạt 72,61%. Dự án 1, hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề tại các xã Măng Tố, La Ngâu, Đức Bình, Đức Thuận, Gia Huynh và Suối Kiết, đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng, chiếm 71,65% tổng số vốn. Năm 2022, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 74 hộ và chuyển đổi nghề cho 44 hộ, đạt tỷ lệ giải ngân hơn 92%. Năm 2023, 56 hộ DTTS đã có nhà ở mới, vốn chuyển đổi nghề giải ngân đạt 100%. Sang năm 2024, chương trình tiếp tục hỗ trợ xây dựng 92 căn nhà và cung cấp vốn vay để người dân đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò, máy móc sản xuất. Những nỗ lực này không chỉ cải thiện đời sống cho bà con DTTS mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho huyện Tánh Linh trong tương lai.

Kiến nghị nâng mức hỗ trợ đồng bào DTTS

Huyện Tánh Linh có 12 xã và 1 thị trấn với 28.757 hộ dân, trong đó 3.655 hộ là đồng bào DTTS (chiếm 12,71%). Theo Quyết định 861/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện có 6 xã và 1 thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, cùng 6 thôn, khu phố đặc biệt khó khăn theo Quyết định 612/2021 của Ủy ban Dân tộc. Các thôn, xã này được hưởng lợi từ Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025. Với 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều giữ bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa cho Tánh Linh. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai đồng bộ, giúp cải thiện sản xuất và tạo thêm việc làm cho người dân.

Theo UBND huyện Tánh Linh, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực từ Chương trình MTQG 1719, huyện vẫn phải đối mặt với một số khó khăn. Kinh phí hỗ trợ nhà ở của Dự án 1 từ Chương trình 40 triệu đồng/căn nhà và nguồn vốn đối ứng của tỉnh 15% ở là thấp, vì người dân là đồng bào DTTS còn khó khăn về kinh tế nên việc đối ứng thêm được nguồn vốn tự có để thực hiện xây dựng 1 căn nhà có từ 4 đến 5 khẩu sinh sống rất khó khăn. Quy trình giải ngân vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cũng gặp vướng mắc, vì người dân chỉ được giải ngân sau khi hoàn thành xây dựng. Họ thường phải ứng trước chi phí cho thợ và vật liệu, dẫn đến tình trạng nhiều hộ vẫn sống trong nhà tạm trong khi chờ đợi hỗ trợ...

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đồng bào DTTS đạt 30 triệu đồng/năm, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và phụ thu từ sản phẩm lâm nghiệp. Toàn huyện vẫn còn 1.092 hộ nghèo và 1.265 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 12,7%; trong đó có 516 hộ nghèo DTTS, chiếm 47,25%, và 726 hộ cận nghèo DTTS, chiếm 20,43%. Ông Nguyễn Đăng Lệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh khẳng định, các nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Địa phương rất quyết liệt trong triển khai thực hiện chương trình để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Tuy nhiên, huyện vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân và phân bổ vốn. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc mới đây, ông Lệ đã kiến nghị: “Chúng tôi mong các cấp quan tâm hỗ trợ thêm để đẩy mạnh thực hiện các dự án, tiểu dự án từ Chương trình. Với kinh phí được phân bổ đã giúp hàng chục hộ dân xây nhà, chuyển đổi nghề nghiệp, vươn lên trong sản xuất. Tuy nhiên, cần nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng thụ hưởng để người dân có cơ hội an cư, lạc nghiệp”.

THANH DUYÊN

Related articles
Nâng cao chất lượng kết nghĩa với xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh còn đẩy mạnh công tác kết nghĩa với xã đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc). Hoạt động này đã tạo mối quan hệ tình cảm gắn bó, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết và phát triển kinh tế ở địa phương...

(0) Comments
Focus
Binh Thuan to introduce Cham Culture to international tourists
BTO – As the peak season for welcoming international visitors is currently triggering in Binh Thuan. The locality has organized a number of activities closely tied to local culture at accommodations to offer guests unique and memorable experiences during their stay. Alongside, distinctive tours and attractions have been also introduced and developed to several newly-opened recreational areas.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số Tánh Linh