Thông qua đề tài Xây dựng mô hình quản lý, phát triển cho các sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận trong năm 2024, vừa qua trung tâm đã hoàn thành thực hiện hỗ trợ 7 HTX trong tỉnh phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT), thiết kế bộ nhận diện. Cụ thể như Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Thành Thành Công; Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Sen Núi ở huyện Đức Linh; HTX Thuận Minh Phát; HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát; HTX Thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc; HTX Sầu riêng Đức Phú, huyện Tánh Linh; HTX Dịch vụ nông nghiệp Phong Phú, huyện Tuy Phong với bộ nhận diện “Bao bì nông nghiệp Phong Phú” dành cho táo, thanh long. Trước đó, trung tâm đã hỗ trợ làm “Mẫu thiết kế tem nhãn & bao bì sầu riêng Đa Kai” huyện Đức Linh. “Các sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP mang NHTT được thiết kế bộ nhận diện tích hợp logo, tem nhãn, bao bì… sẽ làm nổi bật sản phẩm, thu hút khách hàng lựa chọn hàng có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, sản phẩm OCOP”, ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho hay.
Bên cạnh 7 HTX nêu trên, trung tâm đang xúc tiến hỗ trợ thiết kế bộ nhận diện NHTT cho các sản phẩm: Mủ trôm Tuy Phong, Ớt chim Bình Thạnh huyện Tuy Phong; Bánh tráng Phú Long, sầu riêng Đa Mi huyện Hàm Thuận Bắc; Thanh long Hòn Giồ, Gà Thiện nghiệp (TP. Phan Thiết); Thanh long Tân Thuận, Thanh long Phú Cường (huyện Hàm Thuận Nam); Tre tứ quý La Gi; Nhãn xuồng cơm vàng Thắng Hải, Quýt đường Tân Phúc (Hàm Tân); Bưởi da xanh Đông Hà, Bưởi Hoài Đức, Rau sạch Trà Tân (huyện Đức Linh). Đơn vị này cũng đang làm thiết kế bộ nhận diện cho nhãn hiệu chứng nhận Cua huỳnh đế Phú Quý; Cá thát lát Tánh Linh. Các HTX trong tỉnh có nhu cầu đăng ký NHTT, sản phẩm OCOP, bộ nhận diện có thể liên hệ phòng kinh tế, phòng kinh tế & hạ tầng, phòng nông nghiệp & PTNT, trung tâm kỹ thuật & dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện; Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận để được hỗ trợ một phần thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm.
“Nhãn hiệu tập thể của các HTX, tổ hợp tác, địa phương là các NHTT chỉ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (NHTT mang địa danh) đang ngày càng trở thành loại tài sản trí tuệ có giá trị vì nó có khả năng trở thành công cụ kiểm soát, thúc đẩy phát triển hệ thống kinh tế, xã hội, đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, để tạo dựng, phát triển NHTT cần có sự nỗ lực đầu tư về trí tuệ, công sức, thời gian, chi phí. Bởi tạo dựng, phát triển NHTT không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc xác định, công nhận danh tiếng, tính đặc thù, bí quyết truyền thống, sự ổn định chất lượng sản phẩm và bảo hộ nhãn hiệu tập thể mà còn đòi hỏi việc xây dựng, duy trì hệ thống kiểm soát, xác nhận chất lượng, quản lý sử dụng, để đảm bảo duy trì chất lượng, uy tín, danh tiếng vốn có của sản phẩm mang NHTT. Nhãn hiệu tập thể gắn với bộ nhận diện tạo sự đồng bộ sản phẩm cho khách hàng tin cậy vào các sản phẩm có thương hiệu, uy tín trên thị trường”, ông Nguyễn Quang Thịnh chia sẻ.