Kết quả đạt được
Trong 5 năm qua (2018 - 2023), Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã tổ chức cai nghiện được khoảng 1.773 người. Đối tượng hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy từ cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh về nơi cư trú là 1.225 người. Tất cả các đối tượng đều được lập đầy đủ hồ sơ để quản lý tại nơi cư trú, UBND cấp xã phân công các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tình nguyện viên của đội công tác xã hội tình nguyện theo dõi, động viên, giúp đỡ. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ người nghiện ma túy luôn được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm thực hiện.
Minh chứng, tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, từ năm 2018 đến nay, cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh đã phối hợp với Trường Cao đẳng Bình Thuận dạy nghề cho 520 học viên cai nghiện tại cơ sở. Các nghề gồm: Lắp đặt và bảo dưỡng điện nước dân dụng, kỹ thuật hàn, lắp đặt và sửa chữa máy điều hòa không khí và dạy xóa mù chữ. Tại các địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, ban, ngành tổ chức tuyên truyền, khảo sát nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương. Qua đó, đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy nghề sửa xe honda, làm cửa sắt, điện dân dụng, chế biến… cho 27 học viên hoàn thành cai nghiện trở về địa phương. Cùng với đó, các địa phương đã giới thiệu, tạo việc làm cho 112 người sau cai nghiện như may công nghiệp, đi làm việc tại các cơ sở trồng cây cao su, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, công nhân Công ty Right Rich, kho bao bì, hớt tóc, lái xe taxi, chăn nuôi heo, buôn bán nhỏ tại gia đình. Ngoài ra, các địa phương đã giúp đỡ hỗ trợ cho gia đình 56 người sau cai nghiện được vay vốn làm kinh tế với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện đề án
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm người sau cai nghiện ma túy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng” giai đoạn 2024 - 2030 (gọi tắt đề án). Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện đề án.
Mục tiêu của đề án có 100% người đang cai nghiện ma túy tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh được tuyên truyền, tư vấn pháp luật, kỹ năng tìm kiếm việc làm; trên 60% người đang cai nghiện ma túy tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh được tham gia đào tạo nghề ngắn hạn. Tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho các đối tượng sau cai nghiện chưa tham gia đào tạo nghề đạt trình độ sơ cấp cho các nghề lao động giản đơn. Tư vấn, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại địa phương; khuyến khích đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Hằng năm, phấn đấu hỗ trợ trên 50 người sau cai nghiện có việc làm ổn định. Huy động các nguồn lực xã hội trong tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối với người sau cai nghiện về cư trú tại địa phương được tiếp cận các nguồn vốn vay. Duy trì và xây dựng các mô hình về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng...
Để thực hiện đề án hiệu quả, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy được tăng cường. Các địa phương (xã, phường, thị trấn) có trách nhiệm phân công cho các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cá nhân thực hiện việc quản lý, giám sát người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương cư trú, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chặt chẽ sau khi có thông báo của Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh (hoặc các cơ sở cai nghiện). Cùng với đó, tổ chức dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; tạo điều kiện cho người sau cai nghiện hoặc gia đình có người sau cai nghiện được hỗ trợ chính sách tín dụng để giúp cho người sau cai nghiện được tiếp cận các nguồn vốn vay để họ có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, phòng chống tái nghiện.
Bên cạnh đó, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để vận động quan tâm tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc; vận động các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho người sau cai nghiện ma túy có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn có ý chí vươn lên, ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho những tổ chức xã hội từ thiện, những nhà hảo tâm trên địa bàn hoạt động trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ những người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập với cộng đồng. Tiếp tục duy trì, củng cố và nhân rộng các mô hình quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Thực hiện rà soát, phân loại, quản lý chặt chẽ người sau cai nghiện ma túy đưa vào hồ sơ quản lý, cập nhật vào phần mềm; vận động gia đình và người sau cai nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện khi trở về lại nơi cư trú để có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho phù hợp với nhu cầu cho từng loại đối tượng để đạt hiệu quả của đề án...