Kế hoạch này cũng xác định đối tượng, chính sách hỗ trợ, kinh phí thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với đối tượng học nghề là lao động nông thôn tham gia học các chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề thường xuyên (dưới 3 tháng). Trong đó sẽ ưu tiên người khuyết tật và đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, hộ mới thoát nghèo “trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo”, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm, người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác.
Theo đó, năm nay huyện Tánh Linh phấn đấu đào tạo nghề cho từ 278 lao động trở lên với quy mô đào tạo 15 - 35 học viên/lớp, gồm: Nghề nông nghiệp (bảo vệ thực vật, trồng cây ăn trái, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia cầm), nghề phi nông nghiệp (may công nghiệp, kỹ thuật pha chế nước uống, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn)… Dự kiến thời gian bắt đầu mở lớp đào tạo từ quý II và sẽ hoàn thành trước 31/12/2024, địa điểm tổ chức ngay tại các xã - thị trấn trên địa bàn huyện để thuận tiện cho việc học lý thuyết cũng như thực hành của học viên...
Thông qua công tác này, Tánh Linh cũng hướng nâng cao chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn huyện thông qua việc đào tạo, trang bị kiến thức cơ bản về kỹ năng nghề. Đồng thời giúp các học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo vận dụng những kiến thức đã học vào sản xuất, tạo việc làm để góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững…