Theo Ban chỉ huy PCTT TKCN tỉnh Thanh Hóa, có hơn 100 nhà dân ở các huyện miền núi như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước bị đất đá sạt lở gây hư hại; 7 điểm trường phải sơ tán học sinh; hàng chục ha hoa màu ngập lụt hư hại; cơ sở hạ tầng giao thông hư hại nặng; Sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở sa bồi mặt đường tại 178 vị trí với chiều dài 162m (QL.15, 15C, 16, 217, 47), gây tắc đường, chia cắt, cô lập nhiều địa phương trong tỉnh.
Trước tình hình trên, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã huy động 1.500 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tham gia khắc phục hậu quả, tổ chức di dời dân đến vị trí an toàn.
Đại tá Vũ Văn Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhiều cán bộ, chiến sĩ vùng trọng điểm đã phải thức trắng đêm giúp dân di dời đến vị trí an toàn. Ban CHQS các huyện thị xã, thành phố phối hợp với các lực lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, chặt chẽ, cụ thể các trọng điểm, các hồ đập, đê kè, các tuyến đường, khu dân cư. Dự kiến những nơi có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá trên địa bàn để chủ động tuyên truyền, vận động và sơ tán nhân dân sớm ra khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn về người và tài sản của nhân dân".
Đại tá Vũ Văn Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhiều cán bộ, chiến sĩ vùng trọng điểm đã phải thức trắng đêm giúp dân di dời đến vị trí an toàn.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, kiểm tra chặt chẽ hệ thống doanh trại, kho trạm, khu vực trường bắn, thao trường huấn luyện, các công trình đang thi công của đơn vị. Khi có các dấu hiệu hoặc nguy cơ sạt, trượt, lở đất, lũ quét... phải chủ động, kịp thời di dời bộ đội, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất đến nơi an toàn; khi xảy ra các sự cố, thiên tai trên địa bàn phải tập trung lực lượng, phương tiện, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý kịp thời các tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.