Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ: Góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể ở địa phương

23/09/2024, 05:06

Tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên lĩnh vực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năm nay ngành và đơn vị chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực…

Năm 2024, ngành Khoa học và Công nghệ Bình Thuận tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan thông qua thực hiện một số đề tài khoa học công nghệ tại địa phương. Theo đó tập trung xây dựng đa dạng mô hình với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến mô hình “Phục tráng giống lúa Mẹ và xây dựng mô hình canh tác hữu cơ theo chuỗi giá trị tại các xã miền núi tỉnh Bình Thuận”, “Xây dựng mô hình quản lý, phát triển các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận”…

z5846773741540_5b58a3213e95761f809c5111d8a17546.jpg
z5846765243474_52ffeda84020ec992a13635c07a569fb.jpg
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được triển khai trong thời gian qua.

Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, do vậy ngành chức năng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2024. Qua đó xúc tiến tham mưu UBND tỉnh xem xét, cấp kinh phí hỗ trợ cho Hiệp hội Thanh long Bình Thuận thực hiện báo cáo duy trì hiệu lực của chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản. Ngoài ra còn cho phép Hợp tác xã Tổng hợp nông nghiệp Đa Mi - Hàm Thuận Bắc sử dụng địa danh “Đa Mi” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, điều chỉnh tên của Hợp tác xã Dịch vụ - Thương mại Thành Thành Công để sử dụng tên địa danh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể… Mặt khác cũng thường xuyên phối hợp Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận trong triển khai hội nghị, hội thảo, tập huấn, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh.

Qua tìm hiểu được biết, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) hiện đang triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như: “Xây dựng mô hình nuôi ếch thương phẩm trong bể bạt tại huyện Tánh Linh”, “Xây dựng mô hình trồng rau thủy canh quy mô hộ gia đình tại huyện Hàm Thuận Nam”, “Xây dựng mô hình trồng rau thủy canh quy mô hộ gia đình tại huyện Hàm Thuận Bắc”, “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn khép kín (trồng cỏ, nuôi bò, nuôi trùn quế) tại thị xã La Gi”, “Xây dựng mô hình trồng tre tứ quý lấy măng tại huyện Hàm Thuận Nam”… Trong đó có một số mô hình vừa được nghiệm thu cho thấy đã tạo cơ hội để đối tượng tham gia đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, góp phần xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giàu chính đáng và đây cũng là các mô hình mẫu giúp hợp tác xã, tổ hợp tác cùng nông dân tại địa bàn cơ sở tham quan, học tập kinh nghiệm để áp dụng khi có điều kiện.

Tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trong năm 2025 ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện định hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực. Nhất là đẩy mạnh triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện những nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng hoặc có giá trị kinh tế cao của Bình Thuận. Đồng thời cũng duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý Thanh long Bình Thuận, chỉ dẫn địa lý Nước mắm Phan Thiết được bảo hộ tại các quốc gia…

Thời gian qua, các kết quả nghiên cứu khoa học hoặc mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sau khi được thực hiện thành công đều được bàn giao kịp thời nhằm triển khai ứng dụng, nhân rộng vào sản xuất. Tuy nhiên theo Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận thì nhìn chung sức lan tỏa còn chậm, kết quả ứng dụng chưa được nhiều để tạo nên một xu hướng chung trong xã hội… Do vậy kiến nghị các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần quan tâm hơn trong việc xác định nhu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế. Bên cạnh đó cũng quan tâm đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với việc phát huy vai trò của kinh tế tập thể tại địa phương.

QUỐC TÍN

Related articles
Để kinh tế tập thể là động lực quan trọng của nền kinh tế
Ở Bình Thuận, các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực KTTT, hợp tác xã (HTX) phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ: Góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể ở địa phương