Tại huyện Hàm Thuận Bắc, Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ không chỉ làm đa dạng các sản phẩm từ thanh long mà còn góp phần nâng giá trị cho thanh long, tạo thêm động lực, niềm tin để nông dân gắn bó với loại cây trồng này.
Những sản phẩm mang hồn quê
Chị Nguyễn Hoàng Thư Hương (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: Thanh long là cây trồng chủ lực của địa phương, gia đình chị vừa có đất canh tác thanh long vừa thu mua trái cây tươi xuất khẩu. Hàng năm, vào mùa chính vụ thường xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá”, đỉnh điểm là đợt dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, thanh long không xuất khẩu được bởi chính sách thắt chặt “Zero Covid” từ các nước nên chị nung nấu hình thành nên ý tưởng chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long.
“Từng là giáo viên, nhưng vì có đam mê sâu nặng với trái cây đặc sản quê nhà nên tôi đã gác lại công việc dạy trẻ, thực hiện tâm nguyện chế biến đa dạng các sản phẩm từ thanh long trong thời điểm trái cây này không thể xuất khẩu do chi phối bởi dịch Covid - 19. Lúc này kem và rượu là hai bộ sản phẩm đầu tiên mà tôi bắt tay vào hành trình tìm tòi, nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long”, chị Hương nói.
Thế nhưng không phải thành công nào cũng đến một cách dễ dàng. Chị Hương đã phải trải qua nhiều gian nan, thử thách. Hàng chục, hàng trăm lần chị đã phải bỏ đi những sản phẩm của mình vì không đạt yêu cầu. Không nản lòng, chị vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa cân chỉnh sao cho phù hợp với số đông thị hiếu của khách hàng. Chính vì vậy mà năm 2021, bộ sản phẩm kem tươi thanh long và rượu thanh long đã được UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận OCOP 3 sao.
Tiếp nối thành công, chị Thư Hương tiếp tục đưa ra thị trường gần 15 sản phẩm khác chế biến từ búp, hoa và trái thanh long như: trà, bột, hạt, tinh dầu, nước cốt, sấy khô - sấy dẻo, bánh - mứt - kẹo... Đặc biệt, dự án khởi nghiệp chế biến sâu từ trái thanh long - phát huy tiềm năng bản địa của chị Nguyễn Hoàng Thư Hương đã đạt giải nhì do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận tổ chức vào tháng 8/2023. Điều này càng thôi thúc chị Hương tiếp tục có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo đưa ra thị trường.
Hợp tác xã sở hữu nhiều sản phẩm OCOP chế biến sâu
Chị Nguyễn Hoàng Thư Hương đề cập ở trên là một trong những thành viên của HTX thanh long sạch Hòa Lệ (thị trấn Ma Lâm). Hợp tác xã này được thành lập vào tháng 7/2017, có 12 thành viên canh tác hơn 35 ha thanh long trắng và đỏ, trong đó, có 12 ha công nhận GlobalGAP, còn lại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, Hợp tác xã có sản phẩm trái thanh long ruột đỏ được công nhận OCOP 3 sao và thanh long ruột trắng công nhận OCOP 4 sao. Bên cạnh xuất khẩu chính ngạch trái thanh long tươi sang thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… với sản lượng hơn 10 ngàn tấn mỗi năm. Đơn vị còn tập trung vào mảng chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long, trong đó, có khoảng vài trăm tấn đến một ngàn tấn thanh long tươi sau xuất khẩu phục vụ cho nhu cầu sản xuất chế biến rượu vang, nước ép, làm mứt, kem, tinh dầu, hạt thanh long. Ngoài ra, bông thanh long còn sơ chế thành “búp thanh long sấy khô” hay “trà hoa thanh long”. Trong số các sản phẩm mà Hợp tác xã tìm tòi, nghiên cứu chế biến sâu từ bông và trái thanh long, có đến 11 sản phẩm công nhận OCOP 3 sao và 1 sản phẩm công nhận OCOP 4 sao, đồng thời Bộ sản phẩm “Rượu vang thanh long” được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận.
Không chỉ chú trọng đến chất lượng “ăn ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm” mà Hợp tác xã còn đẩy mạnh đến khâu thiết kế bao bì sản phẩm đẹp, bắt mắt thu hút phần nhìn. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP chế biến từ thanh long đón nhận sự ủng hộ nồng nhiệt từ các cơ quan ban ngành của tỉnh cho đến người dân bản địa lựa chọn mua làm quà biếu tặng bạn bè, đối tác khách hàng hay ở những sự kiện ngoại giao.
Hiện nay, Hợp tác xã Hòa Lệ là đơn vị sở hữu nhiều sản phẩm OCOP chế biến sâu từ bông và trái thanh long ở thủ phủ thanh long Bình Thuận. Đây cũng là hợp tác xã thường xuyên tham gia các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, với mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển, đưa đặc sản quê nhà vươn xa, gia tăng giá trị kinh tế cũng như giúp nông dân bám trụ với cây trồng lợi thế của địa phương.