Sầu riêng VietGAP và cơ hội cho các nông sản khác

24/07/2024, 05:05

HTX Sản xuất, Kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp Đa Mi (HTX SXKD-DVNN) thuộc thôn La Dày, xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) vừa được tổ chức chứng nhận FAO cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm quả tươi đối với 40 ha. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các hộ thành viên, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông và chính quyền địa phương trong suốt 1 năm qua. Đến nay HTX đã đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu của một số thị trường khó tính, hướng đến phát triển bền vững.

Sự hỗ trợ, đồng hành của chương trình khuyến nông

Bình Thuận dù không phải là vùng trồng sầu riêng lớn của cả nước. Nhưng những năm gần đây, trước “làn sóng” chuyển đổi cây trồng ở các địa phương, không ít hộ dân đã mở rộng diện tích sầu riêng. Đến nay, toàn tỉnh có 3 vùng đặc trưng trồng được sầu riêng hiệu quả, chất lượng cao là Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh. Theo thống kê, toàn tỉnh ước có trên 3.300 ha sầu riêng; trong đó, riêng huyện Hàm Thuận Bắc hiện có gần 2.000 ha và một trong những vùng trồng nhiều nhất là xã Đa Mi.

769bf8440a4faf11f65e.jpg
Ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh (bên phải) thăm vườn sầu riêng mô hình tại xã Đa Mi.

Bởi đã trồng nên những hộ dân cũng không khỏi lo lắng đến độ bão hòa diện tích, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nông sản nhiều năm nay. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh giữa sầu riêng sản xuất từ các nước như Thái Lan, Malaysia, với sầu riêng của Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan.

Từ thực tế ấy, với định hướng sản xuất sầu riêng của tỉnh đạt hiệu quả cao, bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đề xuất xây dựng mô hình “Thâm canh sầu riêng đạt chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi” với quy mô 40 ha tại HTX SXKD-DVNN) Đa Mi.

54c46e3a9631336f6a20.jpg
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao giấy chứng nhận VietGAP cho HTX.

Th.s Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, từ tháng 8/2023 đến tháng 6/2024, từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình Khuyến nông đã được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, Trung tâm phối hợp với huyện Hàm Thuận Bắc và xã Đa Mi, HTX triển khai mô hình này. Trong đó áp dụng quy trình sản xuất hướng hữu cơ, sinh học, sử dụng nhật ký sản xuất điện tử để truy xuất chi tiết nguồn gốc sản phẩm. Mục đích nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP hướng an toàn theo liên kết chuỗi, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 15- 20%. Song song, trung tâm mong muốn tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác. Từ đó nhân rộng mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP hàng năm tại các vùng trọng điểm của tỉnh. Khi tham gia mô hình, các hộ nông dân trong HTX được hỗ trợ 40% về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 441 triệu đồng (nông dân đầu tư đối ứng 16,6 triệu đồng/ha). Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, chứng nhận VietGAP cho 40 ha/11 hộ với tổng kinh phí 238 triệu đồng; hỗ trợ 200.000 tem truy xuất nguồn gốc.

Bà Đỗ Thị Lý – cán bộ phụ trách mô hình thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhận xét: Qua 1 năm thực hiện mô hình, cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển khá tốt, cho trái đều ở cả 11 hộ tham gia. Bên cạnh đó, tỷ lệ sâu gây hại không đáng kể. Quá trình chăm sóc, các hộ dân không dùng thuốc cỏ mà dùng phân hữu cơ vi sinh để bón, tăng cường sử dụng thuốc sinh học, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học, tuân thủ đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch sản phẩm. Qua tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, các hộ đã nắm vững quy trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ sản xuất bước đầu áp dụng hình thức nhật ký điện tử trên trang App: Nông nghiệp số Bình Thuận nhằm tiến tới truy xuất nguồn gốc quét mã QR code.

0800d9ca28c18d9fd4d0.jpg
Năng suất sầu riêng tại vườn mô hình đạt cao.
6770ece4e2ef47b11efe.jpg
Anh Tuấn chia sẻ niềm vui vì sầu riêng sản xuất theo mô hình đạt hiệu quả cao.

Từ thương hiệu sầu riêng Đa Mi

Giữa tháng 7/2024, vùng trồng sầu riêng Đa Mi đã thu hoạch rộ, được mùa , được giá khiến bà con ai nấy đều vui mừng. Nông dân Đào Kim Tuấn, thành viên HTX SXKD-DVNN Đa Mi dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng rộng 3 ha, trồng hoàn toàn bằng hữu cơ chia sẻ niềm vui: Vườn sầu riêng này đã được trồng từ 4 - 8 năm, hiện có 350 cây đang cho thu hoạch. Nhìn những cây sầu riêng tươi tốt, trĩu trái trên cành, anh Tuấn cho biết sản lượng thu hoạch năm nay khoảng 70 tấn, tăng 20 tấn so với năm ngoái, cộng thêm giá bán cao hơn nên bà con có lãi khá.

12a2a8cb5cc0f99ea0d1.jpg
Sầu riêng của các thành viên được HTX thu mua ổn định.

Anh Tuấn cho biết thêm, nhờ tham gia vào hợp tác xã, được sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh nên vườn sầu riêng của gia đình đã được nhận giấy chứng nhận VietGAP. Đây cũng là cơ hội mở ra thị trường, khi vùng trồng, chất lượng nông sản đã đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu của một số thị trường khó tính, hướng đến phát triển bền vững. Hiện nay, sản phẩm sầu riêng từ mô hình được HTX thu mua với mức giá theo thị trường dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg đối với giống Ri 6 (lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/ha) và 80.000 - 90.000 đồng/kg đối với giống Monthon (lợi nhuận 1,754 tỷ đồng/ha). So với vườn ngoài mô hình, sản xuất 1 ha sầu riêng trong mô hình có lợi nhuận cao hơn 55 triệu đồng/ha.

Anh Tuấn là 1 trong số 11 hộ thành viên của HTX SXKD-DVNN Đa Mi, vừa qua đã nhận được giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích 40 ha. Nhìn lại thành quả đạt được, ông Trịnh Văn Chất – Giám đốc HTX SXKD-DVNN Đa Mi cho rằng, trước đó bà con gặp rất nhiều khó khăn do chi phí và kỹ thuật trồng sầu riêng khá cao. May mắn, nhờ sự hỗ trợ về kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông, nông dân tham gia mô hình đã được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, từ hiệu quả mô hình, dưới sự hỗ trợ nông dân sản xuất sầu riêng VietGAP, liên kết chuỗi của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân. Qua đó, giúp họ hiểu trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Không những thế, sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho sầu riêng VietGAP, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Đáng phấn khởi, vì không chỉ người trồng sầu riêng ở Đa Mi được hưởng lợi từ chương trình khuyến nông. Trước đó từ năm 2022, từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình Khuyến nông, Trung tâm phối hợp với huyện Đức Linh và chính quyền địa phương xã, tổ HTX để xây dựng mô hình “Thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi” tại xã Đa Kai, quy mô 14 ha/14 hộ và hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAP 15 ha (HTX Thành Thành Công là đơn vị liên kết tiêu thụ). Riêng trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã và đang triển khai nhiều hoạt động tập huấn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất cây trồng khác. Trong đó, có kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn bền vững và áp dụng nhật ký sản xuất điện tử, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Trung tâm đẩy mạnh sản xuất các đối tượng khác như cây ăn quả, lúa, rau... để đạt được các chứng nhận VietGAP và tương đương. Đồng thời tiếp tục nhân rộng triển khai mô hình sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh.

KIỀU HẰNG

Related articles
Hoạt động khuyến nông: Cầu nối tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân
Những năm qua, hoạt động khuyến nông đã trở thành cầu nối vững vàng, giúp nông, ngư dân trong tỉnh nắm bắt kịp thời các tiến bộ kỹ thuật mới. Kết quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, để thêm sức lan tỏa và nhân rộng những tiến bộ ấy, hoạt động khuyến nông cần khắc phục những tồn tại đang là lực cản hiện nay.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sầu riêng VietGAP và cơ hội cho các nông sản khác