Hoạt động khuyến nông: Cầu nối tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân

01/03/2023, 05:40

Những năm qua, hoạt động khuyến nông đã trở thành cầu nối vững vàng, giúp nông, ngư dân trong tỉnh nắm bắt kịp thời các tiến bộ kỹ thuật mới. Kết quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, để thêm sức lan tỏa và nhân rộng những tiến bộ ấy, hoạt động khuyến nông cần khắc phục những tồn tại đang là lực cản hiện nay.

Nâng cao năng suất, tạo thu nhập cho người dân

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh đã đi vào ổn định, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Trong đó Trung tâm Khuyến nông là lực lượng nòng cốt của tỉnh trong việc thực hiện các hoạt động khuyến nông (nông, lâm, ngư, diêm nghiệp). Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tư vấn kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật mới trong quản lý sản xuất cho nông dân thông qua các chương trình, dự án, đề tài khoa học. Song song, tổ chức chứng nhận sản xuất, sơ chế sản phẩm thanh long phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP.

z4143200534467_641f79248f15e3d03fa318bff92252f7-1-.jpg
Máy sạ lúa theo hàng kết hợp phun xịt thuốc tại huyện Tánh Linh.

Một trong những kết quả nổi bật trong những năm qua, đó là chương trình khuyến nông cây lúa. Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh chương trình xã hội hóa giống lúa, chương trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”. Hay như mô hình thâm canh cây lúa theo phương pháp SRI; mô hình cánh đồng lớn thâm canh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Đặc biệt là đưa các giống mới như Đài Thơm 8, ST24, ST25, kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác tại các vùng lúa trọng điểm. Đến nay, ước tính có khoảng trên 90% diện tích sản xuất được sử dụng giống lúa xác nhận, góp phần nâng cao năng suất, tạo thu nhập cho người dân.

Bên cạnh cây lúa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, liên tục từ năm 1996, toàn tỉnh đã chuyển giao nhiều mô hình cây bắp lai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng cao, vùng sâu để thay thế giống bắp địa phương có năng suất thấp. Kết quả đến năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên sản xuất bắp lai với diện tích gần 15.000 ha, sản lượng bắp đạt khoảng 97.560 tấn.

z4143198070666_ecba623bb0d678bdda9a5161aaffee05-1-.jpg
Cán bộ khuyến nông và mô hình nuôi cá nước ngọt.

Ở lĩnh vực thủy sản, thông qua các mô hình trọng điểm như chương trình khai thác xa bờ, nuôi thủy sản nước mặn, lợ, nuôi cá nước ngọt, hay như chương trình dịch vụ, tư vấn kỹ thuật đã góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân. Từ đó, góp phần thay đổi tập quán sản xuất thủy sản từ chủ yếu dựa vào khai thác và nuôi thả quảng canh sang nuôi trồng bán thâm canh và thâm canh. Hơn thế, ngư dân có đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải tiến công cụ đánh bắt, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhờ đó sản lượng và nguồn thu nhập tăng lên đáng kể…

Cần thêm sức lan tỏa, nhân rộng

Qua nhiều năm hoạt động, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hiện nay hoạt động khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Theo ông Nguyễn Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện nay cấp xã không còn khuyến nông viên cơ sở. Cán bộ khuyến nông chủ yếu thuộc các lĩnh vực kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, còn các lĩnh vực khác như lâm nghiệp, thủy lợi đều rất ít hoặc chưa có.

Cũng cần nhìn nhận, hoạt động khuyến nông chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thực tế sản xuất. Nhất là việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp hiệu quả chưa cao, chủ yếu chỉ tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Các hoạt động khuyến nông về phát triển nông thôn chưa được quan tâm nhiều và đầu tư tương xứng so với nhu cầu thực tế đặt ra. Ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận, các mô hình khuyến nông trình diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng sức lan tỏa, nhân rộng còn chậm. Cùng với đó, cơ chế, chính sách và khung pháp lý về khuyến nông còn nhiều bất cập. Nhất là việc cấp kinh phí và phê duyệt dự toán để triển khai hoạt động khuyến nông chưa kịp thời và còn thấp so với yêu cầu công tác khuyến nông…

Trước những kết quả và hạn chế này, ngành nông nghiệp tỉnh hướng tới đến năm 2030 sẽ nâng cao chất lượng công tác khuyến nông. Qua đó, góp phần thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Song song, đẩy mạnh xã hội hóa khuyến nông, thu hút các nguồn lực và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân để lan tỏa được các hoạt động. Ngành cũng phấn đấu phát triển mạnh tư vấn, dịch vụ khuyến nông hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân hoạt động hiệu quả, bền vững. Chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng… để khẳng định vai trò cầu nối tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân trong tỉnh.

KIỀU HẰNG

Related articles
Tổ chức lại Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh
BT- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai vừa có quyết định thành lập Trung tâm Khuyến nông tỉnh trên cơ sở chuyển các trạm khuyến nông trực thuộc UBND huyện, thị xã về trực thuộc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và tổ chức lại Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoạt động khuyến nông: Cầu nối tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân