Đảm bảo các phương án về an toàn đập, hồ chứa mùa mưa lũ

16/07/2024, 05:15

Về phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đối với các hồ chứa hiện nay bị hư hỏng, trước mắt tiến hành sửa chữa các hư hỏng như giặm vá lại mái đập tại các vị trí bị sạt lở, đắp đất hoàn trả các vị trí bị lún, sụt trên mặt đập…

Bảo đảm công trình hoạt động an toàn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, đến năm 2024, toàn tỉnh có 40 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng, dung tích toàn bộ 441,33 triệu m3, tổng năng lực thiết kế 60.367 ha. Trong đó có 18 hồ chứa nước lớn, 10 hồ chứa nước vừa và 12 hồ chứa nước nhỏ. Những năm qua, việc quản lý, khai thác hồ chứa thủy lợi tuân thủ nội dung quy định, bảo đảm công trình hoạt động an toàn, không để xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa. Tuy vậy, thực tế hiện nay diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, nên nguy cơ xảy ra thiên tai, trong đó có sự cố đối với các hồ chứa thủy lợi luôn hiện hữu. Nhất là năm 2024, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện khoảng từ 4 đến 6 cơn trên biển Đông và khoảng 1 đến 2 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn hồ chứa lại càng được quan tâm, theo dõi chặt chẽ.

z4885735141564_8bdbb09dcadfa4b03a0234982c440587.jpg
Điều tiết nước tại hồ chứa.

Vừa qua Sở Nông nghiệp và PTNT cùng một số đơn vị liên quan đã kiểm tra, đánh giá bằng trực quan về hiện trạng đập, hồ chứa và các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sau mùa mưa lũ năm 2023 và trước mùa mưa lũ năm 2024. Trong số 40 hồ chứa được kiểm tra, có 16 hồ đạt kết quả đánh giá an toàn.

Riêng một số hồ chứa có kết quả đánh giá có nguy cơ mất an toàn cao là hồ Bo Bo, Năm Heo, Suối Đá, Cà Giang, Sông Quao, Giếng Cỏ, Sông Dinh 3, Lâm trường Sông Dinh, Cà Giây, Sông Móng. Đơn cử, có 2 đập bị thấm là đập hồ Cà Giây và đập phụ 3 hồ Sông Quao. Ngoài ra, tình trạng biến dạng mái đập như sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu tại một số hồ khác và tuyến đường quản lý một số hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp gồm Cà Giây, Sông Móng, Suối Đá, Sông Dinh 3.

ho-song-mong-kh.jpg
Hồ chứa nước Sông Móng (Hàm Thuận Nam).

Kịp thời nâng cấp, sửa chữa

Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, khó khăn hiện nay là phần lớn các hồ chứa thủy lợi đang khai thác sử dụng trên địa bàn tỉnh xây dựng ở thập niên 90, trong điều kiện về nguồn vốn, kỹ thuật thi công, năng lực thiết kế, tài liệu phục vụ tính toán còn nhiều hạn chế. Thời gian khai thác sử dụng qua hàng chục năm, vì vậy có nhiều hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao khi tích nước. Bên cạnh đó, có nhiều hồ chứa thiếu hồ sơ thu hồi đất nên khi tổ chức triển khai đầu tư cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa khó triển khai thực hiện. Mặt khác, chưa đầu tư lắp đặt trạm đo mưa đầu nguồn và hệ thống cảnh báo lũ hạ du nên khó khăn trong việc dự báo và cảnh báo lũ ở vùng hạ du khi hồ xả lũ.

4db537cbde507c0e2541.jpg
Sửa chữa, nâng cấp công trình hồ chứa.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, hàng năm Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương nơi có đập, hồ chứa nước thủy lợi thực hiện các phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước. Riêng trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang thực hiện đầu tư nâng cấp 7 hồ chứa thủy lợi bằng nguồn vốn của Trung ương, gồm Cà Giang, Đaguiry, Suối Trâm (huyện Hàm Thuận Bắc), Ba Bàu (Hàm Thuận Nam), Núi Đất (thị xã La Gi) và 2 hồ đang lập hồ sơ thiết kế là hồ Cà Giây và hồ Sông Móng.

Về phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đối với các hồ chứa hiện nay bị hư hỏng, trước mắt tiến hành sửa chữa các hư hỏng như giặm vá lại mái đập tại các vị trí bị sạt lở, đắp đất hoàn trả các vị trí bị lún, sụt trên mặt đập. Tăng cường theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, lượng dòng chảy đến hồ, tình trạng hoạt động của hồ chứa trong suốt mùa mưa lũ để vận hành, điều tiết nước tại hồ cho phù hợp với diễn biến của tình hình mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình. Đồng thời kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành thử các thiết bị chính và thiết bị dự phòng phục vụ xả lũ, cấp nước, xả cát của các hồ chứa, đảm bảo công trình vận hành bình thường trong mọi điều kiện thời tiết. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng lên phương án bố trí lực lượng bảo đảm đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành hồ chứa. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình trước, trong và sau khi xảy ra mưa, lũ nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý những nguy cơ gây mất an toàn cho công trình... Qua đó, đảm bảo các phương án về an toàn đập, hồ chứa mùa mưa lũ.

KIỀU HẰNG

Related articles
Đoàn công tác đi thực tế dự án hồ chứa nước Ka Pét
BTO-Ngày 29/3, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với một số sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức cho cơ quan báo chí địa phương và thường trú tại Bình Thuận đi thực tế tình hình khô hạn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và khu vực triển khai Dự án Hồ chứa nước Ka Pét.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo các phương án về an toàn đập, hồ chứa mùa mưa lũ