Tại lớp tập huấn, các học viên được tiếp cận, hiểu rõ hơn về chuyển đổi số. Trong đó đi sâu tìm hiểu về chuyển đổi số trong nông nghiệp, thông qua các thông tin liên quan đến lộ trình áp dụng chuyển đổi số như giải pháp truy xuất nguồn gốc, thu thập, phân tích dữ liệu trồng trọt và chăn nuôi để đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Các học viên cũng được nắm thông tin về giải pháp bán hàng qua nhiều kênh với hình thức thanh toán đa dạng, hỗ trợ kết nối người bán hàng và người mua. Ngoài ra, các học viên được giảng viên truyền đạt về chủ trương của nhà nước, định hướng của ngành nông nghiệp về chuyển đổi số. Mục đích thời gian tới thường xuyên được tiếp cận thông tin xanh, sạch, đúng trọng tâm, phát triển nâng cao kiến thức đối với cán bộ. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ứng dụng được vào sản xuất, tăng thêm thu nhập kinh tế cho gia đình, xã hội…
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thời gian qua với sự hỗ trợ của Chương trình UNDP, Trung tâm đã phát triển phần mềm nhật ký sản xuất và theo dõi dấu chân Carbon cho sản phẩm thanh long, đến nay sau 1 thời gian triển khai thí điểm tại 4 HTX đã có những kết quả tích cực. Hiện Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phát triển phần mềm “Quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho ngành trồng trọt” trên địa bàn tỉnh để triển khai mô hình nhật ký điện tử và truy xuất nguồn gốc cho toàn bộ các sản phẩm của ngành trồng trọt để hỗ trợ người sản xuất tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lớp tập huấn diễn ra trong 3 ngày (từ 22 - 24/5). Ngoài các chuyên đề học về lý thuyết, học viên sẽ được tham quan, thực hành tại Trang trại sản xuất thanh long VietGAP Trịnh Anh Hào ở Hàm Minh, Hàm Thuận Nam và một hộ trồng thanh long tại xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc. Qua đó, học viên thực hành quan sát, thu thập thông tin từ chủ vườn để nắm bắt cách thức tổ chức sản xuất. Song song, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, chế biến, quét mã QR code trên sản phẩm…