Thanh long Bình Thuận: Đã đến lúc “thanh lọc” diện tích, tập trung chất lượng

13/05/2024, 05:05

1. Thời gian gần đây, thanh long vụ nghịch ở Bình Thuận có giá bán khá cao, khoảng 20.000 đồng/kg (trắng) và trên 30.000 đồng/kg (đỏ). Với mức giá này, nếu hộ dân nào “trúng” lứa, chắc chắn sẽ có lãi khá.

Nhưng thực tế cho thấy ở vụ nghịch năm nay, trên địa bàn Bình Thuận xảy ra nắng hạn kéo dài, khiến hàng ngàn ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó có cây thanh long. Đơn cử gia đình ông Lâm Hồng Điệp, xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam) có 5.000 trụ thanh long gần khu vực hồ Tà Mon chia sẻ: Vào đầu vụ nghịch, do không có nước tưới nên phải hạn chế chong đèn, cộng thêm thanh long bị nhiễm sâu bệnh nên sản lượng rất ít. Để duy trì sự sống cho cây mùa hạn, gia đình đã sử dụng lượng nước ít ỏi từ giếng khoan và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, ủ rơm gốc thanh long. Nhưng hạn khốc liệt, nếu vẫn không có nước thì sợ không cứu được cây đang dần héo rũ”.

z5432125426143_26f8687cf577d6267964fe9b6e870d6c.jpg
Nhiều diện tích thanh long cằn cỗi dần được thay thế bởi cây trồng khác. 

Còn với bà Trần Thị Mộng Linh ở xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) cho biết, sau thời gian dài trồng thanh long không hiệu quả, giá bấp bênh dẫn đến thua lỗ, thời gian gần đây, gia đình đã phá bỏ mấy trăm trụ thanh long, cải tạo đất để chuyển sang trồng lúa…

Không thể phủ nhận, nhiều năm qua, sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 26.498 ha thanh long, sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Nếu so với diện tích đến cuối năm 2020, thanh long Bình Thuận có 33.730 ha với sản lượng khoảng 650.000 tấn/năm, cho thấy sự sụt giảm cả về diện tích lẫn sản lượng.

z4962540435063_1a228ad951071b9fe079379866a58395.jpg
Thanh long Bình Thuận.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên có những thời điểm xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn. Giá thanh long luôn biến động ở mức thấp đã làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nông dân. Do đó, từ năm 2021 đến nay người trồng thanh long đã phá bỏ và không chăm sóc hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, như quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, vùng sản xuất quy mô lớn chưa nhiều. Mặt khác, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh. Một tồn tại cần được chú ý là việc liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu chưa bền vững, hệ thống cơ sở sơ chế, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu và hạn chế về công nghệ. Đồng thời, dưới tác động của biến đổi khí hậu, phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại cùng với giống thanh long bị thoái hóa ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất…

z5366177538376_681e7099d03dc8a12f67a42c67181e63.jpg
Sản xuất thanh long tập trung chất lượng trái.

2. Những ngày cuối tháng 4/2024 vừa qua, Đề án Phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030 đã được UBND tỉnh chính thức phê duyệt. Mục tiêu đặt ra là ổn định diện tích, phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sinh thái, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm, thu nhập cao, tăng giá trị xuất khẩu, phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận. Song song, liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm ổn định đời sống của nông dân trồng thanh long, góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải.

abb9ba49-b770-4ddd-b940-950d6dde45fa.jpeg
Sơ chế thanh long xuất khẩu.

Theo mục tiêu đề án này, từ diện tích thanh long toàn tỉnh hiện tại với gần 26.500 ha, đến năm 2030, Bình Thuận sẽ ổn định diện tích thanh long khoảng 25.000 ha (tập trung tại các huyện trọng điểm, gồm Hàm Thuận Nam 12.600 ha, Hàm Thuận Bắc 5.000, Bắc Bình 3.000 ha, Hàm Tân 2.000 ha…). Như vậy, trong những năm tới, diện tích thanh long của tỉnh sẽ tiếp tục được “thanh lọc”, giảm hơn 1.000 ha nữa, trong đó có việc thay thế vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng thấp.

Mục tiêu của đề án cũng đặt ra tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70-75% so với tổng diện tích. Cùng với đó, hình thành nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái thanh long…

Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về phát triển thanh long. Củng cố Hiệp hội thanh long Bình Thuận để phát huy vai trò là đại diện, cầu nối với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng của tỉnh, đủ năng lực quản lý chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác, khách hàng để mở rộng, khai thác thị trường xuất khẩu sang các nước đã có bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Song song, quan tâm phát triển thị trường thanh long trong nước, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Với quyết tâm cao, cùng sự ra đời của Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030, đã đến lúc thanh long Bình Thuận cần sự “bắt tay”, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từng bước “thanh lọc” diện tích, tập trung về chất lượng để đáp ứng thị trường đang ngày càng cạnh tranh.

K. HẰNG

Related articles
Góp sức phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long
Ngành công thương ước tính kinh phí khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng để triển khai các giải pháp nhằm góp sức hỗ trợ phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long Bình Thuận trong năm 2024.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long Bình Thuận: Đã đến lúc “thanh lọc” diện tích, tập trung chất lượng