Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70 - 75% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 10% so với tổng diện tích…
Nội dung đề án nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp gồm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị, xã hội. Mặt khác, truyền thông, thống nhất nhận thức, hành động về phát triển thanh long. Cùng với đó, phát huy vai trò của Hiệp hội thanh long tỉnh và doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia phát triển thanh long bền vững. Sản xuất thanh long hiệu quả, bền vững, ứng dụng khoa học – công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; quản lý vật tư, sản phẩm thanh long... Theo dự kiến kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp thực hiện đề án đến năm 2030 với tổng nhu cầu vốn dự kiến là 549 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 435 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 114 tỷ đồng. UBND tỉnh cho biết, đề án được thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai, nguồn lực doanh nghiệp tư nhân và người sản xuất thanh long là chủ yếu…
Được biết, cây thanh long được xác định là một trong những cây trồng có lợi thế của tỉnh; sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 26.500 ha; sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước.