Các sản phẩm lợi thế
Có thể kể các giải pháp như: Phát huy tài nguyên bản địa và nâng cao giá trị trái thanh long Bình Thuận của Trần Thị Kim Lĩnh, Nguyễn Ngọc Bảo (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc). Từ trái thanh long, nhóm này đã chế biến ra nước ép lên men tự nhiên 100%, siro, mứt, kẹo, thanh long sấy dẻo bắt mắt được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng, xem như đặc sản Bình Thuận để chọn mua làm quà. Tương tự, là các giải pháp: Kem thanh long, mứt thanh long, bánh phồng tôm thanh long của bà Nguyễn Hoàng Thư Hương (thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc); Chuỗi sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn trong chế biến thanh long xanh Bình Thuận hướng đến phát triển bền vững, của Lê Thị Nguyên Hà (xã Hải Ninh, Bắc Bình); sản phẩm mỹ phẩm đến từ vỏ thanh long của Đoàn Thị Kiều Vân (Phú Tài, TP. Phan Thiết); “Yummy plastic” màng bọc ăn được và thay đổi màu sắc theo tình trạng thực phẩm được chiết xuất từ vỏ chanh dây, vỏ thanh long (nhóm tác giả Trường Đại học Quốc tế TP. HCM). Các sản phẩm đa dạng từ nguyên liệu trái thanh long địa phương đều được Ban tổ chức chấm thi sơ khảo đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, tạo sản phẩm hàng hóa.
Cùng với đó, các sản phẩm khác tạo nên nét mới, đã và đang được khách hàng đón nhận, sử dụng vào đời sống. Đó là các giải pháp: Sản xuất ống hút gạo, bún phở sấy khô (dáng sợi thẳng) nhằm bảo vệ môi trường và nâng tầm giá trị hạt gạo (tác giả Trương Thị Hồng Hà, xã Phú Lạc, Tuy Phong); nông nghiệp sạch, chăn nuôi dông, bồ câu đặc sản kết hợp du lịch trải nghiệm (Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Văn Tánh xã Thiện Nghiệp, Phan Thiết); Sản xuất giống gốc nấm đông trùng hạ thảo và đa dạng hóa các sản phẩm từ nấm này của Nguyễn Minh Đông (Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học & công nghệ Bình Thuận). Lĩnh vực công nghệ có các giải pháp: Ứng dụng công nghệ sinh học để thủy phân phế phẩm cá biển thành dưỡng chất hữu cơ quý giá cho cây trồng (ông Hồ Trinh, phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết). Hay Hệ thống giao tiếp đa chức năng và cảnh báo đối tượng lạ cho người khuyết tật với công nghệ trí tuệ nhân tạo (nhóm tác giả Trường THPT Tánh Linh); Dùng ứng dụng Microsoft Excel để tính thời gian và chiết xuất thành tích của vận động viên thể thao đạt hiệu quả cao nhất, (nhóm tác giả huyện Phú Quý); Điểm danh tự động học sinh vào trường theo công nghệ nhận dạng khuôn mặt (nhóm tác giả Trường THPT Tánh Linh)…
Nâng cao tinh thần khởi nghiệp
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở KH & CN, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho hay: Các giải pháp vào vòng chung kết đến từ các tác giả, nhóm tác giả trong, ngoài tỉnh ở các lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật, nông nghiệp - công nghệ chế biến sản phẩm lợi thế của tỉnh cùng mô hình du lịch sinh thái. Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo sự lan tỏa đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho tỉnh Bình Thuận; khơi dậy đam mê khởi nghiệp thế hệ trẻ, hỗ trợ triển khai các sản phẩm, dự án tiềm năng. Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II năm 2022 - 2024 là hoạt động nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh Bình Thuận hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Bình Thuận đến năm 2025.