Dồn sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

02/04/2024, 05:24

Đến thời điểm này, Bình Thuận đã có 74/93 xã nông thôn mới và 6 xã nông thôn mới nâng cao. Các huyện, xã trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện song song 2 nhiệm vụ là vừa duy trì kết quả đạt chuẩn trong giai đoạn mới; vừa thực hiện NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Những nỗ lực

Giai đoạn 2021-2025 có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt năm 2023, tỉnh triển khai bộ tiêu chí giai đoạn mới với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí có yêu cầu cao hơn hẳn giai đoạn trước đó. Xác định xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đạt được kết quả khá toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục có sự lan tỏa mạnh mẽ, đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân đồng lòng để xây dựng NTM. Chỉ tính riêng trong năm 2023, người dân và cộng đồng đóng góp trên 61,17 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp trên 38,35 tỷ đồng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn tỉnh đã có sự khởi sắc rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, thu hẹp khoảng cách miền núi với đồng bằng. Trong đó, hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư ngày càng phát triển đảm bảo kết nối vùng nông thôn và đô thị. Tính từ năm 2021 đến cuối năm 2023 toàn tỉnh đã cứng hóa được 317,3 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 371,1 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện; trong đó nhân dân đóng góp 133,648 tỷ đồng.

Vùng nông thôn Bình Thuận đổi thay rõ rệt.

Tại các huyện, xã nông thôn mới chủ động quan tâm tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến vào sản xuất. Từ đó, tăng thêm diện tích tưới chủ động, thâm canh tăng vụ tạo sự chuyển biến nhanh và bền vững trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Ngày càng phát triển thêm nhiều mô hình liên kết sản xuất. Hình thành các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.

Đến nay, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây thanh long chất lượng cao tại các huyện: Hàm Thuận Nam 7.679 ha, Hàm Thuận Bắc 349 ha...; vùng trồng lúa chất lượng cao 7.286 ha; duy trì ổn định 50 ha rau an toàn ven đô thị. Trong năm 2023 đã thực hiện thẩm định và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho trái thanh long cho 3 cơ sở; cấp mới 49 mã số vùng trồng, 39 mã số cơ sở đóng gói…

Hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực địa phương

Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Trà Tân là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh vào tháng 8/2023. Diện mạo nông thôn của xã thay đổi rõ nét, điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, đặc biệt là sự huy động cộng đồng chung tay xây dựng nông thôn mới. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, đường huyết mạch ở xã khi được chính quyền phát động “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân tích cực hưởng ứng kinh phí, hiến đất làm đường. Tổng kinh phí đầu tư trên địa bàn xã là 223,1 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa và nhân dân đóng góp là 52,9 tỷ đồng, chiếm 23,7%.

Xã nông thôn mới nâng cao Trà Tân.

Ông Đỗ Đức Anh – Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho biết: Ngay sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nỗ lực để đạt các mục tiêu cao hơn là nâng chất lượng cuộc sống của người dân và thu nhập đến năm 2025 ở mức 60 triệu/ đồng/người/năm; duy trì tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên; đảm bảo môi trường; giữ và nâng chuẩn quốc gia về y tế... để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Nâng cao chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương.

Trong năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu sẽ có thêm 17 xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; cụ thể là 2 xã nông thôn mới, 12 xã nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2024 là năm quyết định thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, nhất là tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, làm cơ sở sang năm 2025 dồn sức thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Đức Linh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để hoàn thành chỉ tiêu được giao giai đoạn 2021 – 2025, thời gian tới Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân nông thôn về các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các chương trình chuyên đề trong chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống người dân nông thôn và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bức xúc trong xây dựng nông thôn mới về môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn… Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương; thúc đẩy liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển đa dạng sản phẩm OCOP…

Giai đoạn 2021 – 2025 toàn tỉnh phấn đấu có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 75 xã), trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

T.DUYÊN

Related articles
Các xã nông thôn mới ven biển Hàm Tân: Cần giải pháp xử lý rác căn cơ
Lâu nay, việc xử lý rác thải ở 3 xã ven biển Thắng Hải, Tân Thắng, Sơn Mỹ huyện Hàm Tân chỉ tạm bợ, chưa căn cơ, phần nào ảnh hưởng môi trường các địa phương ven biển này.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dồn sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu