Trong đó có trên 37.400ha rừng phòng hộ và hơn 28.300 ha rừng sản xuất do 9 đơn vị chủ rừng quản lý (gồm 5 đơn vị chủ rừng thuộc Nhà nước và 4 đơn vị chủ rừng tư nhân). Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn trở lại đây thời tiết hanh khô, nắng nóng tăng dần dẫn đến nhiều khu vực rừng trên địa bàn được Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng huyện nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp 3 - cấp độ có khả năng dễ cháy. Trước tình hình trên, các đơn vị chủ rừng trong huyện đã và đang chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng trên lâm phần quản lý, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về lâm sản do cháy rừng gây ra.
Là 1 trong 9 đơn vị chủ rừng ở huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi hiện đang quản lý hơn 20.000 ha rừng thuộc địa bàn 3 xã Đông Giang, La Dạ và Đa Mi. Gần đây, nhiều khu vực rừng thuộc lâm phần do Ban quản lý được cảnh báo có nguy cơ cháy rừng cấp 3. Vì vậy, để làm tốt công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, ban đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo phương án được phê duyệt, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng 24/24 giờ. “Diện tích rừng tự nhiên thuộc lâm phần do Ban quản lý chủ yếu là rừng khộp, rụng lá vào mùa khô, phân bố ở vùng núi cao, độ dốc lớn, địa hình hiểm trở; một số khu vực nằm tiếp giáp với đất canh tác nông nghiệp của người dân, nên dễ bị xâm hại và có nguy cơ cháy cao. Vì vậy trong quá trình tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, ban tập trung theo dõi, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào rừng; vận động, cho các hộ dân sống ven rừng hoặc có đất sản xuất gần rừng làm cam kết không đốt dọn vườn, nương rẫy vào mùa khô, không đun nấu trong rừng, không đốt lá rừng, không đem các vật dụng phát sinh nguồn lửa vào rừng; đồng thời lập bảng dự báo cấp cháy rừng, cấm lửa tại các khu vực trọng điểm dễ phát sinh cháy…”. Ông Nguyễn Văn Châu - Phó phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi cho biết.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Quao cũng đang quản lý diện tích rừng khá lớn với hơn 18.998 ha, trải đều trên địa bàn 5 xã Hàm Phú, Hàm Trí, Đông Tiến, Đông Giang và Thuận Hòa. Trong đó, nhiều khu vực rừng đang bước vào cao điểm khô hạn, thực bì héo khô dễ phát sinh cháy nếu tiếp xúc với nguồn lửa. Từ thực tế này, ngoài việc đẩy mạnh tuần tra, trực chốt 24/24, lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Quao còn trực tiếp kiểm tra tại các Tiểu khu được xác định có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, kết hợp đốt chần, cày đường băng cản lửa; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở người dân sống ven rừng nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không đốt rẫy, đốt thực bì hay đốt củi trong rừng...
Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, đến nay trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc chưa ghi nhận trường hợp cháy rừng nghiêm trọng xảy ra. Chỉ phát sinh vài vụ cháy nhỏ lẻ, trên thảm thực bì, không ảnh hưởng đến cây rừng. Mặc dù vậy, căn cứ vào tình hình thời tiết hanh khô hiện nay, cộng với nắng nóng còn kéo dài, dự báo thời gian tới nhiều khả năng một số khu vực rừng ở huyện sẽ tăng cấp độ về nguy cơ cháy rừng. Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, các đơn vị chủ rừng và các địa phương có rừng tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng theo phương án đã phê duyệt; tiến hành rà soát, xác định, phân vùng trọng điểm cháy rừng ở các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao để bổ sung, chỉnh lý phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân; giám sát chặt chẽ các hoạt động sản xuất ven rừng không để xảy ra tình trạng đốt, dọn rẫy gây cháy lan vào rừng; thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng ở những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; tổ chức trực chốt, bố trí lực lượng ứng cứu, chữa cháy, bảo vệ rừng 24/24 giờ; gắn với chủ động các phương tiện, dụng cụ, nhân lực, hậu cần phục vụ chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời khi có trường hợp cháy rừng xảy ra.