Tạo dấu mốc để phát triển đột phá và bền vững

26/02/2024, 08:41

Ngày 27/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1701/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dự kiến vào ngày 28/2/2024, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình Thuận được biết đến là tỉnh có vị trí mang tầm chiến lược, là “đầu mối” trung chuyển liên kết vùng trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ, gắn kết với vùng Đông Nam bộ, đặc biệt vùng động lực phía Nam và giữ vai trò là một “cửa ngõ” của vùng Tây Nguyên. Sở hữu điều kiện tự nhiên đặc thù với đường bờ biển dài 192 km, đặc biệt có huyện đảo Phú Quý bao gồm 12 đảo lớn nhỏ. Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Bình Thuận đã có bước phát triển mạnh mẽ, với mức tăng trưởng kinh tế giai đoạn này đạt 7,34%/năm, riêng năm 2020, quy mô GRDP đạt gần 84.000 tỷ đồng, gấp hơn 3,7 lần năm 2010, GRDP bình quân/đầu người đạt 67,5 triệu đồng (2.911 USD) xếp 20/63 tỉnh, thành phố và bằng 83% mức bình quân chung của cả nước. So với các tỉnh khác trong vùng, Bình Thuận có tỷ trọng đóng góp từ sản xuất điện, năng lượng và du lịch là rất lớn, trong tương lai hướng tới sẽ phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương.

duong-le-duan-anh-ngoc-lan-.jpg

Bên cạnh những thành tựu đạt được, các khó khăn và thách thức trong giai đoạn quy hoạch cũng rất lớn, chính vì thế tỉnh đã coi việc lập quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội để tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định các “điểm nghẽn”, từ đó đưa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực phát triển trong thời kỳ quy hoạch. Tạo được dấu mốc giúp tỉnh phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo. Sau năm 2030, Bình Thuận là vùng động lực của vùng duyên hải miền Trung, bởi lẽ Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển, quá trình xây dựng Quy hoạch đặt ra làm thế nào tỉnh Bình Thuận có tầm nhìn xa, bứt phá nhưng phù hợp với thực tiễn hiện nay. Quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế biển, xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế. Mục tiêu tổng quát của quy hoạch trọng tâm là phát triển 3 trụ cột đó là: Công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm (cluster) liên ngành; Dịch vụ với các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ logistics và nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.

Theo báo cáo Quy hoạch, tỉnh cũng đề ra phương án phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, phương án phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội và tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó bố trí trục động lực: Trục Đông - Tây gắn với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và quốc lộ 1A, kết nối giao thông quan trọng với vùng Đông Nam bộ, tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là kết nối với thành phố Hồ Chí Minh. Quy hoạch cũng nêu rõ mục tiêu, tạo bước phát triển đột phá về mọi mặt cho ngành du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế, trong đó lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm trọng tâm, động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bình Thuận với hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, du lịch Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước. Cùng với du lịch biển, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái như: rừng, thác, hồ, biển, đảo, đồi cát và các sản phẩm du lịch văn hóa. Đặc biệt là Quy hoạch giai đoạn 2021-2030 sẽ tạo được dấu mốc giúp Bình Thuận phát triển đột phá, bền vững và sáng tạo. Dự báo đến năm 2030, Bình Thuận cần 29 - 30 tỷ USD để phát triển, chính vì thế Quy hoạch đặt ra kịch bản tăng trưởng cho Bình Thuận, trong đó xác định đến năm 2030 đạt một số chỉ tiêu chính quan trọng. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5 - 8,0%. Đến năm 2030, Quy mô GRDP đạt 266.357 tỷ đồng, tăng gấp 3,18 lần so với năm 2020 (năm 2020 đạt 83.726 tỷ đồng). Thứ hai, kinh tế số chiếm tỷ trọng trong GRDP của tỉnh đạt khoảng 30%, đóng góp của nhân tố TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 38 - 40% đến năm 2030 khoảng 50%. Thứ ba, thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 36 - 38% so với GRDP giai đoạn 2021 - 2030. Thứ tư, GRDP bình quân/người đến năm 2030 đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD (năm 2020 đạt 2.911 USD) và thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 tăng gấp 2,7 - 3,5 lần so với năm 2020.

Trên cơ sở phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, triển vọng phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2050 có mức GRDP bình quân/người từ 32.000-35.000 USD và gần 100% người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, môi trường sống có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, quốc phòng - an ninh được đảm bảo vững chắc. Căn cứ vào phương án tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, dự báo nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh lũy kế đến năm 2030 theo giá hiện hành khoảng 750.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 29 - 30 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 260.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 490.000 tỷ đồng. Vốn cho đầu tư phát triển tỉnh Bình Thuận có thể huy động từ 2 nguồn chính là: Vốn huy động từ ngân sách nhà nước và vốn huy động từ khu vực ngoài nhà nước. Để huy động được nguồn vốn này, theo dự thảo Quy hoạch đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chuẩn bị các yếu tố, điều kiện để thu hút doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư.

THANH QUANG

Related articles
Kỳ công nghề vẽ tranh tường
Với niềm đam mê và yêu thích hội họa, những năm qua, anh Đào Thân Thiết ở khu phố 3, phường Tân Thiện, thị xã La Gi đã “thay áo mới” cho hàng trăm bức tường trở nên sống động, đặc sắc và “có hồn” bởi những nét vẽ kỳ công, độc đáo.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo dấu mốc để phát triển đột phá và bền vững