Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU: Đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

05/01/2024, 05:05

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tỉnh, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tương xứng với vai trò, vị trí là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Đó là yêu cầu chung trong kết luận của Tỉnh ủy sau khi sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 06-NQ/TU).

du-luon-1.jpg
Eo biển Vĩnh Tân - Cà Ná - Ảnh: Đ.Hòa.

Kết quả và hạn chế

Trên tinh thần đánh giá sát thực những mặt được, chưa được sau 2 năm thực hiện, Tỉnh ủy kết luận: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; song, du lịch Bình Thuận đã có bước phục hồi và phát triển khá nhanh. Đặc biệt, các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và việc đưa vào sử dụng 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) đoạn qua địa bàn tỉnh đã tạo động lực mới cho du lịch Bình Thuận phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Bình Thuận còn nhiều tồn tại, hạn chế, đáng lưu ý là: Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ. Thu hút đầu tư các dự án du lịch có quy mô lớn, khu nghỉ dưỡng cao cấp gắn với du lịch vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ, thể thao chưa nhiều, thiếu thương hiệu nổi tiếng. Tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch chưa cao, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, việc đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, chưa tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách du lịch. Các công trình, hoạt động phục vụ phát triển du lịch (như: công viên, bãi tắm, quảng trường biển, các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, bãi đậu xe, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực về đêm…) chưa đáp ứng nhu cầu. Những giá trị cốt lõi của các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh để quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, du lịch chưa được phát huy đúng mức. Tỉnh chưa có phương án quy hoạch, quản lý, sử dụng, bảo tồn và nâng cao giá trị danh lam thắng cảnh như: Mũi Kê Gà và ngọn Hải đăng Kê Gà, các khu vực đồi Hồng, đồi Cát bay (đồi Trinh Nữ), Bàu Trắng (Bàu Ông ở huyện Bắc Bình), Mũi Yến, Hòn Cau, Hòn Bà… Công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai thực hiện dự án du lịch còn yếu; tình trạng lấn chiếm trái phép còn diễn biến phức tạp; nhiều dự án du lịch chậm triển khai hoặc chưa triển khai; một số dự án ảnh hưởng cảnh quan thiên nhiên, phá vỡ không gian kiến trúc. Vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, nhất là tình trạng rác thải, nước thải sinh hoạt tại các khu du lịch, bãi biển và các khu dân cư, các điểm sinh hoạt công cộng. Tình trạng buôn bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách du lịch, nâng giá... có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Bình Thuận trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội, công nghệ số chưa nhiều; nội dung, phương thức tuyên truyền chưa đổi mới. Nhận thức của một số doanh nghiệp, người dân về phát triển du lịch bền vững còn hạn chế.

du-luon.jpg
Bay dù lượn tại Núi Hồng (Hòa Thắng - Bắc Bình). Ảnh: Đ.Hòa

Nhiệm vụ và giải pháp

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Nhiệm vụ đầu tiên là phải tập trung xây dựng hoàn thiện và quản lý du lịch theo quy hoạch, kế hoạch. Tăng cường thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm, có thương hiệu nổi tiếng, tâm huyết để triển khai các dự án lớn, các khu, tổ hợp du lịch, khu vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm hiện đại, đẳng cấp. Khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch kết hợp hội họp, huấn luyện, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, khám phá, văn hóa tâm linh, sinh thái, du lịch nông nghiệp… gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhằm thu hút du khách đến Bình Thuận nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn và quay trở lại nhiều lần hơn. Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”. Cùng với đó tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là mở rộng hệ thống giao thông kết nối thông suốt đến các khu, các điểm du lịch trọng tâm; nâng cấp các tuyến đường hiện có gắn với cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, vỉa hè, bãi đậu xe… bảo đảm đồng bộ. Có biện pháp phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội, làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống, các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh… để phục vụ phát triển du lịch. Dành nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị, nông thôn ngày càng hiện đại, văn minh, chú ý hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, công trình cổng chào, công trình mỹ thuật tạo điểm nhấn ở các cửa ngõ ra, vào thành phố Phan Thiết, các huyện, thị xã, Khu du lịch quốc gia Mũi Né; cải tạo các công viên ven biển, quy hoạch bãi tắm, khu du lịch cộng đồng… Đặc biệt, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, trồng cây xanh, vườn hoa; xây dựng nếp sống văn minh, người dân thân thiện, mến khách. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, tạo sự hấp dẫn, ấn tượng. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu và nâng tầm du lịch Bình Thuận. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Đồng thời, thực hiện việc thu hồi các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai theo quy định, không để lãng phí nguồn lực đất đai…

Kết luận nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2025, đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 18 - 20%/năm; đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10 - 11%; đến năm 2030, du lịch đóng góp GRDP của tỉnh đạt 12 - 13%, Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương…

P.V

Related articles
Du lịch Bình Thuận tạo “điểm cộng” để đón khách
Những ngày qua thời tiết được thuận lợi cùng sức hấp dẫn từ những điểm đến, du lịch Bình Thuận trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch đã đón lượng khách khá đông đến nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU: Đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn