Hỗ trợ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp

28/12/2023, 05:29

Tham gia thực hiện các chính sách và dự án giảm nghèo trên địa bàn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hàm Thuận Nam đã xúc tiến nhiều hoạt động nhằm hướng tới hỗ trợ thiết thực cho người dân nơi đây…

Hỗ trợ đúng đối tượng

Trong các dự án giảm nghèo đang triển khai tại địa phương, hiện Phòng NN & PTNT huyện Hàm Thuận Nam tham gia thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng). Từ nguồn phân khai kinh phí hàng trăm triệu đồng, năm vừa qua ngành đã triển khai thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản tại Mỹ Thạnh với số lượng 22 con bò giống cho 22 hộ nghèo của xã. Năm nay, đơn vị này tiếp tục được phân khai gần 1,2 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Hàm Thuận Nam.

trong-bap-lai-o-ham-can-anh-n.-lan-1-.jpg

Triển khai nhiệm vụ năm 2023, Phòng NN & PTNT huyện đã thực hiện hiệu quả mô hình xã hội hóa giống lúa tại các xã Hàm Cần, Hàm Thạnh, Hàm Cường (đối với vụ hè thu) và Hàm Mỹ, Hàm Minh, Tân Thành (trong vụ mùa). Mô hình này có quy mô diện tích 120 ha với kinh phí hơn 700 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển đất trồng lúa, qua đó đáp ứng một phần nhu cầu về giống cho nông dân gieo trồng vào các vụ tiếp theo. Cũng trong năm nay, đơn vị chức năng của huyện còn phối hợp xúc tiến chương trình đầu tư ứng trước trồng bắp lai cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm 698 ha/315 hộ tại xã Hàm Cần và 299 ha/153 hộ tại xã Mỹ Thạnh. Cùng với đó còn tổ chức tập huấn về quy trình phòng trừ sâu keo mùa thu trên bắp lai để hạn chế thiệt hại và tiếp tục theo dõi, kiểm tra mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản trên địa bàn xã Mỹ Thạnh…

z4745351258889_73ec519de59da63b989fcf329d2dbfe6.jpg
Trồng bắp lại tại xã Hàm Cần. Ảnh: N. Lân.

Cũng hướng đến hỗ trợ đúng đối tượng để góp phần giảm nghèo bền vững, năm nay Phòng NN & PTNT huyện đã phối hợp các cơ sở chuyên môn tiến hành đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 262 lao động địa phương. Chủ yếu là về trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo vệ thực vật, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia cầm… Đồng thời thực hiện tiêm phòng được 57.225 liều vắc - xin trên gia súc, gia cầm (cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng), triển khai 2 đợt “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” và phân bổ 300 lít thuốc sát trùng, 100 bộ đồ bảo hộ cho các xã - thị trấn để tổ chức hoạt động này.

cham-soc-thanh-long-o-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-1-.jpg
co-so-so-che-thanh-long-xuat-khau-o-ham-thuan-nam-anh-ngoc-lan-1-.jpg
Sản xuất và sơ chế thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (Ảnh: N. Lân).

Thêm mô hình liên kết

Thực hiện các chính sách về nông nghiệp, thời gian qua Phòng NN & PTNT tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện 5 dự án liên kết sản xuất đã được UBND huyện phê duyệt. Đến nay đã hình thành được 4 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long với sự tham gia của một số hợp tác xã hoạt động trên địa bàn huyện. Ngoài ra còn xây dựng 1 chuỗi giá trị trong chăn nuôi thông qua dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò của Hợp tác xã Thuận Minh Phát. Được biết sản lượng liên kết trên cây thanh long đạt khoảng 2.980 tấn/111 ha/năm và 154 con bò/41 tấn/năm với tổng nguồn vốn thực hiện 21,8 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 15,3 tỷ đồng, vốn đối ứng 6,5 tỷ đồng), hiện đã giải ngân 4,7 tỷ đồng.

Hướng đến liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm tập trung vào trái thanh long, các dự án cũng góp phần phát huy lợi thế cho loại cây trồng chủ lực nơi đây, bởi Hàm Thuận Nam được mệnh danh “thủ phủ rồng xanh” của Bình Thuận với diện tích hơn 13.700 ha. Theo đánh giá của Phòng NN & PTNT huyện thì qua quá trình triển khai thực hiện dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã từng bước giúp ổn định đầu ra sản phẩm cho các hộ nông dân với giá thành ổn định, tránh tình trạng ép giá khi tới mùa vụ…

Thời gian tới đây, Hàm Thuận Nam sẽ tiếp tục phấn đấu phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị cao và tập trung đầu tư vào loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu… Do vậy, việc hỗ trợ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp theo định hướng rất cần được quan tâm triển khai nhằm góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đem lại hiệu quả. Trong đó có tính đến huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khuyến nông trong chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho người dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế…

Trong năm 2023, ngành NN & PTNT huyện Hàm Thuận Nam còn phối hợp triển khai một số mô hình sản xuất đem lại hiệu quả như: Mô hình thanh long hữu cơ với diện tích 15 ha tại xã Hàm Minh, mô hình trồng cây dược liệu (cây hoài sơn) với diện tích khoảng 2,7 ha ở địa bàn các xã Hàm Kiệm, Thuận Quý, Hàm Cường…

QUỐC TÍN

Related articles
Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh phát triển ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao trình độ dân trí ở địa phương.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp