Giảm nghèo bền vững Hàm Thuận Nam: Tăng cường truyền thông giảm nghèo thông tin

20/12/2023, 05:49

Cùng với triển khai đồng bộ nhiều chính sách, huyện Hàm Thuận Nam đang chú trọng công tác truyền thông về giảm nghèo, giúp người dân tiếp cận các chính sách và những thông tin hữu ích trong phát triển kinh tế để học hỏi, góp phần giảm nghèo bền vững…

tu-van-pl.111.jpg
Các buổi tư vấn, tuyên truyền cho người dân 

Phát huy hệ thống truyền thanh cơ sở

Nhiều năm nay, chị Tạ Yên Phụng Thì - công chức Văn hóa xã hội xã Hàm Cần đã quen với việc xây dựng các bản tin của xã để chuyển qua bộ phận phát thanh. Từ tổng hợp nội dung chương trình đến việc thông báo tổ chức các hoạt động phong trào, triển khai chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và chính quyền. Trong đó nội dung nào quan trọng, thời sự sẽ ưu tiên sắp xếp lên trước và được phổ biến lại nhiều lần cho bà con nắm.

Loa truyền thanh trở thành kênh thông tin quen thuộc và quan trọng với người dân xã đồng bào dân tộc thiểu số này, cho dù các thiết bị như ti vi, điện thoại, mạng wifi đã được sử dụng nhiều hơn trước đây. Ông Lê Ngọc Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cần cho biết: Hàm Cần có địa bàn khá rộng với 4 thôn. Hiện đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, cộng với nhận thức hạn chế nên số hộ nghèo còn cao, với 231 hộ/762 khẩu, 480 hộ cận nghèo/1.890 khẩu, hộ có mức sống trung bình 134 hộ/511 khẩu. Với lợi thế kịp thời, tiện ích, phủ sóng diện rộng, chúng tôi đã tận dụng 6 cụm loa truyền thanh được lắp đặt tại 4 thôn giúp người dân tiếp cận kịp thời các thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương vượt khó vươn lên để động viên bà con nỗ lực, không nên trông chờ, ỷ lại.

ho-tro-bo-de-chan-nuoi-phat-trien-kinh-te-o-xa-mien-nui-my-thanh-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-1-.jpg
Phát triển chăn nuôi bò
vuon-thanh-long-o-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-1-.jpg
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thanh long

Tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông, người dân có điều kiện học hỏi kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi từ những mô hình. Chị Nguyễn Thị Mộng (thôn 1, xã Hàm Cần) chia sẻ: Qua các kênh thông tin và nguồn hỗ trợ vốn vay, tôi nhận thấy chăn nuôi bò là phù hợp nhất với điều kiện thực tế của gia đình. Nhờ vậy, mấy năm nay kinh tế ổn định hơn và năm 2023 này thoát ra khỏi diện hộ cận nghèo.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cần, để giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo và đảm bảo ngày càng tốt hơn nhu cầu cơ bản, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tham gia học các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

mot-goc-khu-dan-cu-o-xa-thuan-quy-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-1.jpg
Nông thôn đổi mới

Tích cực giảm nghèo thông tin

Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn Hàm Thuận Nam, hiện toàn huyện có 839 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,73% và 1.186 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,87%. Tuy nhiên, bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện nhìn nhận, kết quả giảm nghèo còn biểu hiện thiếu vững chắc, tính bền vững chưa cao. Công tác rà soát, cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo có nơi làm chưa tốt, thiếu chặt chẽ.

Tình trạng nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. Do đó để bù đắp những thiếu hụt về thông tin, huyện Hàm Thuận Nam đã đặt ra nhiệm vụ truyền thông và giảm nghèo về thông tin (Dự án 6). Mục tiêu của dự án là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

thu-hoach-bap-lai-o-ham-can-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-.jpg
Thu hoạch bắp

Trên cơ sở đó, năm 2022 và tiếp tục trong năm 2023, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với cơ quan báo chí trong tỉnh sản xuất các tin, bài có nội dung về công tác giảm nghèo, tuyên truyền chính sách. Còn Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện các cụm pa-nô tuyên truyền giảm nghèo đa chiều. Ngoài ra, các địa phương đều phát huy hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở qua xây dựng chương trình phát thanh phù hợp với tình hình. Riêng xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thông tin vừa được chuyển tải bằng văn bản, vừa bằng truyền miệng để bà con hiểu, thích ứng với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa và có tư duy, ý chí làm ăn, phát triển kinh tế ổn định.

xa-mien-nui-my-thanh-cung-nhieu-ngoi-nha-moi-duoc-xay-dung-khang-trang-anh-n.-lan-.jpg
Nhiều ngôi nhà mới của người dân Mỹ Thạnh được xây dựng

Điều đáng mừng là hiện “Tổ công nghệ số cộng đồng” ở các xã, thị trấn tại Hàm Thuận Nam đang góp phần mạnh mẽ đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Và một khi người nghèo, cận nghèo ngày càng được tiếp cận gần hơn với các dịch vụ viễn thông, Internet sẽ giúp họ chủ động trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững.

THÙY LINH; ẢNH NGỌC LÂN

Related articles
Phụ nữ Hàm Thuận Nam: 15 phần việc xây dựng nông thôn mới
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hàm Thuận Nam đã hoàn thành 15 phần việc, trị giá hơn 40 triệu đồng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững Hàm Thuận Nam: Tăng cường truyền thông giảm nghèo thông tin