Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Đầu tư hạ tầng góp phần cải thiện đời sống người dân

24/12/2023, 15:20

BTO-Thời gian qua, các chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam luôn được quan tâm triển khai thực hiện, trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần cải thiện đời sống người dân…

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng…

Với tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 trên địa bàn Hàm Thuận Nam gần 692 tỷ đồng, ngoài công trình do các sở ngành của tỉnh làm chủ đầu tư thì cũng có nguồn vốn tỉnh giao cho huyện làm chủ đầu tư. Trong đó còn có một số nguồn vốn như ngân sách địa phương, vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hoặc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

dien-duong-giao-thong-o-ham-can-anh-n.-lan-3-.jpg
Hệ thống đện và đường giao thông được đầu tư trên địa bàn xã Hàm Cần (Ảnh: N. Lân)
nha-van-ho-xa-my-thanh-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-.jpg
Nhà văn hóa xã Mỹ Thạnh (Ảnh: N. Lân).

Đối với nguồn vốn tỉnh giao cho huyện làm chủ đầu tư, năm nay địa phương đã thực hiện hoàn thành 6 công trình, chủ yếu là kiên cố hóa đường trung tâm huyện đi xã (Tân Lập, Hàm Minh) và đường liên thôn xã (Tân Thành, Hàm Cường). Ngoài ra cũng đang tiến hành thi công hoặc ghi vốn chuẩn bị đầu tư một số công trình kiên cố hóa đường giao thông kết nối hoặc nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường trên địa bàn các xã - thị trấn: Hàm Mỹ, Mương Mán, Hàm Thạnh, Thuận Nam… Triển khai đầu tư từ nguồn vốn ngân sách huyện, thời gian qua địa phương đã phân bổ cho hàng chục công trình trên nhiều lĩnh vực như giao thông, trường học, chăm sóc công viên cây xanh. Hay như đầu tư hệ thống điện chiếu sáng công lộ, làm đường vào các khu sản xuất, sửa chữa nhà văn hóa các thôn, xây dựng khu vui chơi của trẻ em và giải trí người già.

Năm nay, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được phân bổ để thi công hoàn thành các công trình kiên cố hóa đường liên thôn, xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa khu thể thao… Trong khi nguồn vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì tập trung thực hiện kiên cố hóa đường vào các khu sản xuất của xã Mỹ Thạnh, cải tạo khu ký túc xá Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Thuận Nam. Mặt khác còn triển khai thực hiện Dự án 1 - hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 40 đối tượng thuộc các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Tân Thuận.

Cải thiện đời sống người dân

Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 của 30.681 hộ dân trên địa bàn Hàm Thuận Nam cho thấy toàn huyện có 839 trường hợp thuộc diện hộ nghèo (tỷ lệ 2,73%), hộ thuộc diện cận nghèo là 1.186 hộ (tỷ lệ 3,78%). Trong đó số hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực thành thị lần lượt chiếm 1,04% (41 hộ) và 2,16% (85 hộ), còn tại khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 2,98% (798 hộ) và cận nghèo là 4,12% (hơn 1.100 hộ).

Thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2023, kết quả công tác giảm hộ nghèo tại địa phương tiếp tục chuyển biến tích cực với 117 hộ thoát nghèo (kế hoạch đề ra là 80 hộ, tức vượt hơn 46% so chỉ tiêu đề ra). Còn trong năm mới 2024, đối với chỉ tiêu giảm nghèo sẽ phấn đấu giảm thêm 100 hộ trên toàn huyện. Để góp phần cải thiện đời sống người dân và hướng đến giảm nghèo bền vững, Hàm Thuận Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như về giao thông, thủy lợi, trường học... Đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện, qua đó sớm hoàn thành và đưa thêm nhiều công trình vào sử dụng nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân.

duong-giao-thong-xa-thuan-quy-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-11-.jpg
Một góc địa bàn xã Thuận Quý (Ảnh: N. Lân).
z4308423058921_637581c4c00b4b21c0ae8d0f5f0a115e.jpg
Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đã góp phần thu hút dự án thứ cấp cũng như giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương (Ảnh: Đ.Quốc) 

Nhờ quan tâm thực hiện các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đến nay diện mạo của huyện Hàm Thuận Nam khởi sắc thấy rõ. Hoạt động du lịch diễn ra khá nhộn nhịp với kết quả ước đón 230.500 lượt khách đến tham quan, lưu trú trong năm 2023 và tăng khoảng 19.600 lượt khách so năm ngoái. Trong khi 2 khu công nghiệp là Hàm Kiệm I (quy mô hơn 132 ha) và Hàm Kiệm II (quy mô 402 ha) hiện đã mời gọi được hàng chục dự án thứ cấp đầu tư xây dựng các nhà máy gia công giày dép xuất khẩu, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng… Từ đó đã tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, góp phần cùng toàn huyện thực hiện đạt kết quả về công tác giảm nghèo trên địa bàn Hàm Thuận Nam.

Ở giai đoạn trước (2016 - 2020), chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được ưu tiên triển khai trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Mỹ Thạnh và Hàm Cần. Trong đó chủ yếu tập trung làm đường vào các khu sản xuất, kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa cống tràn thuộc địa bàn Mỹ Thạnh, hay như phân bổ kinh phí thực hiện công trình đường trung tâm xã đi thôn 1 xã Hàm Cần, tiến hành sửa chữa nhà cộng đồng các thôn của xã Hàm Cần…

Đ.QUỐC

Related articles
Nghị quyết số 42-NQ/TW: Nâng cao chất lượng toàn diện chính sách xã hội
Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Đầu tư hạ tầng góp phần cải thiện đời sống người dân