Chuyện bao phủ bảo hiểm y tế ở vùng cao Phan Sơn

17/11/2023, 05:05

Phan Sơn, một xã vùng cao thuần đồng bào dân tộc thiểu số nhưng người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khá tốt, với tỷ lệ bao phủ BHYT cao trong số 17 xã, thị trấn của huyện Bắc Bình.

file0207.jpg
Ảnh: Đ.Hòa.

Từ bao cấp sang tự túc

Cầm danh sách kết quả phát triển người tham gia BHYT, bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện Bắc Bình trên tay, tôi không nghĩ Phan Sơn, một xã nghèo thuần đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện lại đứng ở vị trí gần như nhất trong danh sách. Với tỷ lệ đạt hơn 87%, chỉ sau xã vùng sâu Phan Tiến (cao nhất trong 17 xã, thị trấn), xã duy nhất của huyện thuộc khu vực II vẫn còn thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ BHYT miễn phí theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhớ cách đây 3 năm, thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 thay thế Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020. Bình Thuận có 35.876 người không còn nằm trong diện được cấp BHYT miễn phí. Trong đó, 27.777 người thuộc đồng bào DTTS sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và 8.099 người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc không còn được hưởng chính sách này giữa bối cảnh dịch Covid -19 lúc bấy giờ, ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống, khiến không chỉ người dân tâm tư mà cả chính quyền địa phương cũng lo lắng. Vì đa số đồng bào DTTS của Bình Thuận còn nghèo, vốn quen được Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế, BHYT miễn phí. Dù biết có nhiều chính sách phù hợp tiếp tục đồng hành với họ, nhưng trước mắt tự bỏ tiền túi ra để mua thẻ BHYT là không dễ.

img_20231111_113624.jpg

Phan Sơn có 4.176 khẩu chủ yếu làm nông, thu nhập bấp bênh. Trong đó, có 3.699 người không còn trong diện hưởng BHYT miễn phí. K’Bảy – Chủ tịch UBND xã Phan Sơn khi đó buồn so nói với tôi: “Xã đã triển khai tinh thần Quyết định số 861 cho người dân nắm để tự mình lo cho chính mình. Tuy nhiên, cũng lo ngại khó vận động người dân đi mua BHYT, vì bà con quen hưởng miễn phí và khi nào cần mới mua. Cuộc sống người dân vẫn còn nghèo làm ngày nào ăn ngày đó, mua BHYT cho mình hoặc mua theo hộ gia đình rất khó”.

Hôm nay tôi trở lại, thấy K’Bảy không buồn mà cười tít mắt, anh mừng rỡ khoe: “Đối với BHYT thì không lo, ngoài những hộ nghèo, hộ chính sách được miễn phí BHYT, còn lại mình vận động họ mua hết. Hiện nay tỷ lệ mua BHYT trên địa bàn xã đạt gần 90%, cao hơn các xã khác trong toàn huyện”.

Nỗ lực vận động

Để đạt được tỷ lệ ấy, cấp ủy, chính quyền Phan Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó tất cả lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động từ xã xuống đến thôn phải mua BHYT làm gương trước. “Hàng tháng tôi yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, các hội đặc thù, trưởng thôn phải rà soát trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ai không mua BHYT. Nếu có trường hợp không mua thì cuối năm không hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông K’Bảy nhấn mạnh. K’ Bảy chia sẻ thêm: “Tôi không làm vậy thì không thể vận động được người dân mua BHYT vì cán bộ xã mà không mua thì nói dân ai nghe. Hơn nữa mua BHYT là đang bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình, phòng hờ những lúc bệnh tật, ốm đau có BHYT lo... Có những người ban đầu không mua sau khi đích thân tôi đi vận động, thuyết phục bằng cách lấy câu chuyện của người thân trong gia đình tôi kể cho họ nghe thì họ đã mua”.

Cho đến nay, hầu như người dân Phan Sơn nhận thức tốt về việc mua BHYT là có lợi mình, nên tham gia mua. Có gia đình mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình như gia đình ông K’Tẻo ở thôn Bon Thóp. Nhà có 4 thành viên, mỗi năm ông tích cóp để dành gần 3 triệu đồng mua BHYT. Ông diễn giải, con người ai cũng có lúc bệnh, nếu mình không lo trước thì khi bệnh xuống ai lo. Người dân ở đây ai cũng mua vì họ sợ bệnh đến bệnh viện chi phí viện phí cao.

Có thể thấy, cấp ủy, chính quyền Phan Sơn nhận thức rõ trong bối cảnh giá dịch vụ y tế tăng cao, việc tham gia BHYT tự nguyện sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân khi chẳng may ốm đau phải đến cơ sở y tế khám và điều trị. Song, để thực hiện BHYT tự nguyện, hộ gia đình, tiến đến BHYT toàn dân, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng còn phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể và từng người dân.

Ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Bắc Bình, cho biết, theo danh sách tham gia BHYT trên địa bàn Bắc Bình năm nay, ngoài Phan Tiến có thôn đặc thù miễn mua BHYT theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, có tỷ lệ tham gia cao thì một số xã khác như Phan Sơn, tỷ lệ đạt 88%. Với một xã đồng bào còn nhiều khó khăn nhưng người dân tham gia như vậy là khá tốt. Mong rằng thời gian tới, người dân Phan Sơn nói riêng và các xã khác nói chung bao phủ BHYT toàn xã, để đảm bảo chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

NINH CHINH

Related articles
Dai dẳng tảo hôn ở Phan Sơn
“Dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng thời gian qua, số trường hợp tảo hôn vẫn còn cao. Những cô gái ở ngưỡng tuổi 17 đã làm mẹ, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của chính họ và xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi”. Đó là lời bộc bạch của chị K’ Thị Diệp – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phan Sơn (Bắc Bình) khi nói về câu chuyện tảo hôn ở xã đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) này.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện bao phủ bảo hiểm y tế ở vùng cao Phan Sơn