Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Sát cánh cùng hộ nghèo

14/11/2023, 09:20

Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân địa phương, công tác giảm nghèo của huyện Hàm Thuận Nam đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sau khi thoát nghèo đã có cuộc sống ổn định, cải thiện kinh tế gia đình và góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trao “cần câu”

Từng được xem là huyện nghèo, có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân rất đỗi khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh sự xuất hiện cây “xóa đói giảm nghèo” – thanh long, thì việc chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đã giúp Hàm Thuận Nam hôm nay được “khoác áo mới”. Về vùng cao Mỹ Thạnh những ngày đầu tháng 11, chúng tôi mới thấy sự đổi thay ở nơi có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất huyện. Con đường độc đạo dẫn vào xã Mỹ Thạnh đã tráng nhựa thẳng tắp, đường làng ngõ xóm cũng được bê tông sáng - xanh - sạch - đẹp. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

z4877442898875_48866e3adf48fbbedb758eea06def3ba.jpg
Tuyến đường vào trung tâm xã Mỹ Thạnh.

Hai bên đường, những rẫy bắp cuối vụ đang được người dân tất bật thu hoạch hay những vườn thanh long xanh mướt đã cho thấy sự đổi thay của một vùng quê nghèo khó năm nào. Năm nay, giá bắp lai không như ý muốn, vừa mất mùa, mất giá khiến nhiều nông dân nơi đây buồn rầu. Tuy nhiên, với những hộ nghèo, cận nghèo ở xã vùng cao này, họ cảm thấy may mắn hơn bởi tiếp cận được Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, trong đó có những chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển kinh tế gia đình và họ được trao “cần câu” với hy vọng sớm thoát nghèo.

z4877442830821_93ce611c70c8a0483b08fc10c86ac5ba.jpg
Nông dân Mỹ Thạnh đang thu hoạch bắp cuối vụ.

Được cán bộ xã giới thiệu, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Kim Lài (thôn 1). Chị là một trong nhiều hộ nghèo được tham gia mô hình giảm nghèo do UBND huyện xây dựng với hình thức hỗ trợ bò sinh sản cho bà con. Không có đất sản xuất, 2 vợ chồng loay hoay làm đủ nghề vẫn không đủ cho 4 miệng ăn. Chị có kinh nghiệm nuôi bò cho người nhà đã 4 – 5 năm nay, nên năm ngoái khi được hỗ trợ 1 con bò giống, chị rất đỗi vui mừng. “Không những chăm sóc kỹ, tôi còn trồng cỏ cho bò ăn vì vào mùa khô vùng trên này cháy nắng, không tìm được cỏ cho bò, phải đi xa và bò ốm, dễ bệnh. Năm nay, giá bò không cao như mọi năm, nhưng vợ chồng tôi cũng cố gắng nuôi để có lứa bò con cho những năm tiếp theo”, chị Lài chia sẻ. Ngoài việc chăm đàn bò, anh Nguyễn Quốc Kha (chồng chị Lài) còn chịu khó làm đủ việc trong làng để ổn định cuộc sống. Nhờ đó, chị Lài là một trong ít hộ nằm trong danh sách được thoát nghèo trong năm 2023.

chan-nuoi-bo-o-my-thanh-ham-thuan-nam-anhr-n.-lan-1-.jpg
Chị Nguyễn Thị Kim Lài được hỗ trợ bò sinh sản. (ảnh: N. Lân)

Rời nhà chị Lài, chúng tôi ghé nhà bà Lê Thị Bông (thôn 2 – xã Mỹ Thạnh), nhìn ngôi nhà khang trang, vừa mới hoàn thành với kinh phí gần 800 triệu đồng, ai cũng ngạc nhiên, bởi không nghĩ bà Bông từng là một trong những hộ cận nghèo của địa phương. Chỉ sang ngôi nhà tranh, vách lá ọp ẹp kế bên, bà Bông không ngần ngại bảo: “Trước đây gia đình tôi sống trong đó đấy, khổ lắm không có tiền nuôi 3 con ăn học. May mà Nhà nước cho vay vốn phát triển kinh tế, tôi mạnh dạn vay để trồng bắp, mì, điều rồi nuôi thêm 12 con trâu, bò… Tích góp từ năm này qua năm nọ, vợ chồng tôi đã xây dựng được căn nhà khang trang che nắng, che mưa”. Có thể đây được xem là một trong những căn nhà to, đẹp nhất xã, là mục tiêu phấn đấu của những hộ nghèo, cận nghèo trong xã với hy vọng trong thời gian không xa, họ cũng có thể sở hữu căn nhà đẹp như thế.

nha-xay-moi-o-my-thanh-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-.jpg
Ngôi nhà khang trang của bà Lê Thị Bông là niềm ao ước của những hộ nghèo, cận nghèo khác trong xã. (ảnh: N. Lân)

Thực hiện hiệu quả các dự án

Có thể thấy, thời gian qua công tác giảm nghèo được chính quyền nơi đây tích cực triển khai như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn, đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Tổng hộ nghèo trên địa bàn xã hiện nay là 171 hộ/594 khẩu, hộ cận nghèo 29 hộ/103 khẩu. Hộ nghèo, cận nghèo phần lớn thuộc đối tượng DTTS. Trong năm 2023, đã có 23 hộ thoát nghèo. Theo lãnh đạo xã Mỹ Thạnh, đây là chương trình có ý nghĩa đối với bà con vùng cao, đặc biệt là ĐBDTTS vì đã trao “cần câu” giúp bà con từng bước vượt lên mức sống tối thiểu, giúp gia đình giảm nghèo bền vững. Việc hỗ trợ bò còn giúp bà con có ý thức chủ động trong việc chăn nuôi, nâng cao trình độ, từng bước làm chủ việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Song song đó, chính quyền địa phương cũng theo dõi, giám sát và hỗ trợ kịp thời cho người dân về kỹ thuật, chính sách để việc thực hiện chương trình mang tính bền vững, có hiệu quả. Từ đó, người dân có động lực phát triển kinh tế, có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo.

chan-nuoi-bo-o-my-thanh-ham-thuan-nam-anhr-n.-lan-3-.jpg
Mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Mỹ Thạnh. (ảnh: N. Lân)

Được biết, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Mỹ Thạnh với số lượng là 22 con bò giống cho 22 hộ nghèo với kinh phí quyết toán 356,4 triệu đồng đạt 91,15%. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thực hiện mô hình này cho 5 hộ với kinh phí 80 triệu đồng. Riêng xã Mỹ Thạnh cũng vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 3 hộ nghèo, mỗi hộ 1 con bò với kinh phí thực hiện 48 triệu đồng.

dsc05054.jpg
Mỹ Thạnh đã có nhiều đổi thay (ảnh: Q.Nhân)

Theo UBND huyện, phấn đấu những năm kế tiếp đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành của nhà nước, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin... Để làm được điều đó, huyện đã đề ra các giải pháp khá cụ thể.

Bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Gần đây, nhiều hộ DBDTTS trên địa bàn huyện đã ý thức hơn trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, cũng như vận dụng tốt các mô hình, các nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả. Nhờ đó, trong năm 2023, huyện Hàm Thuận Nam có 85 hộ thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 106,2% đạt kế hoạch đề ra. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo có hiệu quả các dự án đầu tư, dự án giảm nghèo, dự án mục Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, cả hệ thống chính trị của huyện sẽ tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng thoát nghèo một cách bền vững”.

Theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022 – 2025, toàn huyện Hàm Thuận Nam có 839 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,73% và 1186 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,87%. Năm 2023, huyện Hàm Thuận Nam được phân khai thực hiện 5 dự án với tổng kinh phí thực hiện là hơn 5,8 tỷ đồng liên quan đến các mô hình giảm nghèo, dinh dưỡng, hỗ trợ sản xuất, y tế... Ngoài ra, còn có nhiều chính sách giảm nghèo thường xuyên khác.

MINH VÂN

Related articles
Hàm Thuận Nam thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững
Qua rà soát trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam hiện còn 789 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,56% và 1.154 hộ cận nghèo, chiếm 3,74%, nên UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện giảm nghèo bền vững năm 2023, với nhiều nội dung phong phú, thiết thực.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững ở Hàm Thuận Nam: Sát cánh cùng hộ nghèo