Đồng tình ủng hộ
Như Báo Bình Thuận đã thông tin từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã triển khai nhiều kế hoạch thực hiện việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Với phương châm xử lý vi phạm về nồng độ cồn “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã bố trí 3 ca tuần tra/ngày, đảm bảo 24/24 giờ đều có tổ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm giao thông kết hợp kiểm tra nồng độ cồn. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh, các Ban của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tăng cường chỉ đạo, tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nắm rõ, tự giác chấp hành và vận động người thân chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Khi có cán bộ, đảng viên vi phạm thì thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị của người vi phạm để xử lý theo quy định. Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, xử lý cả về mặt Đảng và chính quyền đối với cán bộ, đảng viên vi phạm đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong ý thức chấp hành tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia của người dân.
Nhiều bài viết trên báo sau khi được đăng tải đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Trong đó, nhiều bạn đọc đã để lại bình luận thể hiện sự đồng tình với việc lực lượng công an mạnh tay xử lý “thói quen xấu” này. Bạn đọc Canh Nguyen nêu quan điểm “Cứ làm mạnh, con cháu sau này sẽ không bị ảnh hưởng của văn hóa rượu, bia nữa”...
Kiến nghị làm mạnh, triển khai lâu dài
Bên cạnh những ý kiến đồng tình nhiều bạn đọc còn kiến nghị các ngành chức năng cần triển khai việc kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn quyết liệt hơn nữa, duy trì lâu dài để tạo thành thói quen mới trong văn hóa tham gia giao thông. “Nhà nước nên duy trì thường xuyên và lâu dài”, bạn đọc Nguyễn Phước Thành kiến nghị. Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Minh Tuân nêu ý kiến “đã làm thì làm cho đến nơi. Thế dân mới tin vào cảnh sát giao thông...”.
Nhiều bạn đọc cũng cho rằng việc Bộ Công an, Công an tỉnh thời gian vừa qua liên tục triển khai các cao điểm, kế hoạch kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, ma túy đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, triệt để và lâu dài thì ngoài xử phạt, lực lượng chức năng cần chú trọng đến việc giáo dục ý thức chấp hành văn hóa giao thông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ có giáo dục ý thức tự giác mới đem lại nếp sống văn minh. “Để hạn chế tai nạn giao thông do người uống rượu, bia điều khiển xe trên đường, phạt và xử lý vi phạm là hợp lý. Nhưng vẫn còn hiện tượng trốn các hoạt động kiểm tra của lực lượng công an. Cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp phòng ngừa hiệu quả cũng như chú trọng giáo dục ý thức sử dụng rượu bia lành mạnh trở thành nét văn hóa lâu dài, nhất là giáo dục về nhận thức đối với độ tuổi vị thành niên trong môn giáo dục công dân”, bạn đọc phạm VC gửi gắm.
Vi phạm nồng độ cồn đã và đang giảm rõ rệt trong thời gian qua. Dư luận nhân dân rất ủng hộ lực lượng cảnh sát giao thông mạnh tay xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông, vì thực tiễn cho thấy: "cứ làm quyết liệt là chúng ta thắng".