Tánh Linh: Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa

04/10/2023, 05:56

Thời gian gần đây, Bình Thuận nói chung và huyện Tánh Linh nói riêng đang nỗ lực hỗ trợ các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các hội chợ. Mặt khác phối hợp tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối để sản phẩm OCOP không ngừng vươn xa ra thị trường.

Chú trọng phát triển sản phẩm mới

Với một địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp như huyện Tánh Linh, Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện với mong muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua đó nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Những năm qua, các dịch vụ hỗ trợ nông dân thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản luôn được địa phương quan tâm.

z4747924572890_925da8e52e885ccef5757c47789d49ec.jpg
Thu hoạch lúa.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, trong năm 2023, địa phương đã và đang tiếp tục rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia năm 2023 theo hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới, đồng thời nâng cấp sản phẩm hiện có. Nhất là không chạy theo số lượng, sản xuất phải lấy thị trường làm mục tiêu phát triển. Đồng thời, hạn chế các sản phẩm còn dạng thô, chưa qua chế biến, chưa chế biến sâu, các sản phẩm tươi sống. Cùng với đó, địa phương đang xây dựng vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, tham gia hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm được sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... Có thể nhắc đến một trong số hoạt động xúc tiến thời gian qua, đó là huyện mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ Công ty TNHH SX&TM Đại Nhật Phát, HTX Công Thành – Đức Linh, thông qua cầu nối liên kết là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã đầu tư giống, phân bón và thu mua lại sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của các hộ nông dân trong vùng tăng từ 10-20% so với vùng sản xuất lúa thường. Bên cạnh, sau khi thành lập và củng cố hoạt động, HTX DVNN Lạc Tánh, HTX DVNN Đức Bình đã chủ động sản xuất lúa theo hướng hữu cơ liên kết với cơ sở Đức Lan gắn với Logo nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” để tiêu thụ sản phẩm. Nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh” đến nay đã được 2 đơn vị trên địa bàn huyện sử dụng, đóng bao sản phẩm theo hướng hữu cơ số lượng 200 tấn đưa ra thị trường tiêu thụ.

z4747915450730_fd8a0d3ef406d710a94d118133aa0604-1-.jpg
Sản phẩm OCOP gạo Đức Lan được giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Duy trì, nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận OCOP

Trong nội dung kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP huyện Tánh Linh năm 2023, lãnh đạo UBND huyện Tánh Linh cho biết, từ nay đến cuối năm, địa phương tiếp tục duy trì, nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận. Song song, định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh và đặc trưng về giá trị văn hóa của địa phương. Một trong những mục tiêu của huyện là phấn đấu có thêm ít nhất 5 - 6 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Tổ chức đánh giá, thẩm định lại đối với 1 - 2 sản phẩm được công nhận OCOP nhưng đã hết hạn. Mặt khác, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và vào các hệ thống bán lẻ như Postmart, Voso, Co.opmart, BigC, LotteMart…

z4747923305701_191d76883453bd10f57c6fc17f514d90.jpg
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Để làm được điều này, một trong các giải pháp được địa phương đưa ra là khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP gắn với lịch sử văn hóa của huyện. Đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa… Hơn ai hết, để đưa sản phẩm OCOP vươn xa ra thị trường, cần sự chủ động của các chủ thể về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nâng cao chất lượng, nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu… để đưa sản phẩm OCOP vươn xa ra thị trường.

img_6936.jpg
Một sản phẩm OCOP của huyện Tánh Linh.

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã công nhận thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao với 2 chủ thể, nâng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP toàn tỉnh đến nay là 76. Riêng huyện Tánh Linh hiện có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

z4747915972323_5fd816d0c69f32f839a8a61334eec3fa-1-.jpg
Một sản phẩm tham gia OCOP huyện Tánh Linh năm 2023.

Trong năm 2023 dự kiến có 7 sản phẩm tham gia OCOP huyện Tánh Linh gồm dầu đậu phộng, chuỗi hạt cườm, yến sào cao cấp Hồng Duyên, bột ngũ cốc dinh dưỡng Kim Anh, yến sào Tâm Liên, gạo Đức Lan (hộ kinh doanh) và Yến sào Thiên Thanh (Công ty TNHH SX VLXD Thiên Thanh). Trong đó sản phẩm gạo Đức Lan tại thôn 3, xã Đức Bình là sản phẩm công nhận lại.

K.HẰNG

Related articles
Tánh Linh: Trao Quyết định chứng nhận 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện
UBND huyện Tánh Linh vừa tổ chức trao quyết định chứng nhận 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện gồm: Ớt khô, ớt bột khô, ớt xiêm xanh ngâm giấm tỏi, tương ớt bằm lên men tự nhiên, ớt tươi lên men tự nhiên sa tế và tinh bột nghệ Đông Đan.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP vươn xa