Bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng

19/09/2023, 06:50

Mặc dù, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận chưa có số liệu thống kê đầy đủ số người bệnh đau mắt đỏ, nhưng số người được khám, điều trị có chiều hướng gia tăng.

Lây quá nhanh

Chị Trần Thị Hạnh (TP. Phan Thiết) chia sẻ: “Bé gái của chị học lớp 3 mắc bệnh đau mắt đỏ và cho nghỉ học do đứa em nhỏ cũng đau mắt lây sang. Buổi tối có triệu chứng đỏ mắt, tôi tự mua thuốc uống, nhỏ mắt nhưng không khỏi, sang hôm sau mắt đỏ hoàn toàn. Vì vậy, bé được đưa đi khám để sử dụng đúng thuốc, kịp thời”.

Một trường hợp khác, trẻ hơn 1 tuổi mắc bệnh đau mắt đỏ từ nhóm trẻ về nhà lây cả cha mẹ. Khi mắc bệnh, mắt chảy nước mắt, cảm nhận nặng và đau mắt. Trước khi chưa bị đau mắt đỏ, gia đình không nghĩ bệnh này lây quá nhanh. Cả nhà mắc bệnh, con không đi nhà trẻ, cha mẹ cũng không đi làm được. Đó là thông tin của chị Nguyễn Thị Bồng (Phan Thiết).

kham-mat-1.jpg
Khám mắt.

Tại Trung tâm Y tế Phan Thiết, số ca bệnh liên quan đến các bệnh lý về mắt tăng nhanh trong vài ngày gần đây. Có ngày khoa mắt tiếp nhận 70 trường hợp mắc các bệnh lý về mắt, tăng gần gấp đôi so với mức trung bình hàng ngày trước đó. Trong đó, tỷ lệ số người mắc bệnh đau mắt đỏ chiếm tỷ lệ cao. Nhiều người đến khám bệnh đau mắt đỏ không nghĩ bệnh dễ lây và lây nhanh.

Đau mắt đỏ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến giác mạc, suy giảm thị lực nếu điều trị không đúng cách. Phan Thiết, bệnh đau mắt đỏ không chỉ có xu hướng gia tăng số ca bệnh và lượt khám tại cơ sở y tế mà ngay cả trường học có nhiều trường hợp nghỉ học vì bệnh này. Các giáo viên đang tiếp tục kết nối với phụ huynh để kịp thời ghi nhận các trường hợp bệnh và hướng dẫn cách phòng bệnh cho trẻ.

Không tự ý điều trị

Theo thông tin từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ báo cáo từ phòng xét nghiệm thuộc đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM, đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Mắt thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay. Trong đó, chiếm ưu thế là enterovirus 86%, còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).

Bác sĩ Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, tình hình bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) đang bùng phát, lây lan tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Thông qua thông tin giám sát, Bình Thuận bắt đầu ghi nhận gia tăng bất thường các trường hợp bệnh được chẩn đoán viêm kết mạc cấp. Bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Biểu hiện là mắt đỏ, mi mắt sưng nề, đau nhức, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, có nhiều ghèn. Một số trường hợp biểu hiện viêm kết mạc có giả mạc thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, hạch ở tai. Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, nếu bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… để lại hậu quả.

Bác sĩ Hạnh khuyến cáo: Khi mắc bệnh, tới ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu. Trẻ em bị bệnh, không nên đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh. Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khẩu trang, kính mắt.

TRANG MINH

Related articles
Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh
BTO-Sáng 5/8, ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, cùng với sự tham dự của một số sở, ban, ngành liên quan.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng