Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số

18/09/2023, 07:19

Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) tỉnh đã thực hiện tốt chính sách giáo dục dân tộc, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh.

dan-toc-2.jpg

Môi trường giáo dục tốt

Năm học 2023 - 2024, Trường PT DTNT tỉnh có 850 học sinh/27 lớp gồm các dân tộc: Chăm, Chơ-ro, Cơ-ho, Hoa, Mường, Ra-glai, Tày, Nùng, Thái... Đội ngũ giáo viên của trường hầu hết là những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở trường, có trình độ chuyên môn vững vàng, nắm vững và hiểu biết khá sâu công tác giáo dục dân tộc, đặc biệt là hiểu biết tâm sinh lý của học sinh.

a15a3a47-9b46-4c5b-bca5-e1f636d9252d.jpeg
Học sinh Trường PT DTNT tỉnh dự khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Những năm qua, trường được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường. Trường có 27 phòng học, 7 phòng học bộ môn, 1 phòng thư viện, 1 nhà đa năng. Các phòng học được trang bị tivi màn hình rộng và máy vi tính để hỗ trợ giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trường có khuôn viên rộng 29.618 m2 với tường rào bao quanh, có sân chơi, bãi tập cho học sinh học tập, sinh hoạt và vui chơi, giải trí. Bên cạnh là 3 khu ký túc xá với 89 phòng, 1 khối nhà ăn 1.000 chỗ và 1 căng tin, có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và hệ thống lọc nước sạch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở nội trú, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh nội trú của trường.

cfce8d9b-fe3d-49a2-8e5f-0da313ebfc89.jpeg
Nhà bếp chuẩn bị bữa ăn cho học sinh Trường PT DTNT tỉnh.

Thầy Lương Đào Quốc Dũng – Hiệu trưởng Trường PT DTNT tỉnh, cho biết: "Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với tình hình của đơn vị, đổi mới phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá". Theo đó, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, buổi sáng dạy học các giờ chính khóa theo phân phối chương trình đã xây dựng; buổi chiều dạy học một số giờ chính khóa (tin học nghề, thể dục và giáo dục quốc phòng), bổ sung kiến thức cho học sinh và các hoạt động ngoại khóa; buổi tối học sinh tự học trên lớp dưới sự quản lý của giáo viên từ 19h30 đến 21h30. Với đặc thù riêng, trường thực hiện chương trình chuẩn cho lớp 11 và 12 theo chủ đề bám sát với các môn văn, toán, lý (1 tiết/tuần/môn) nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức, kỹ năng và thực hiện chương trình giáo dục địa phương theo phân phối chương trình quy định. Cùng với đó, nhà trường tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Song song đó, triển khai hiệu quả các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, kỹ năng sống… cho các em. Kết quả, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt con số cao trên 99% qua các năm. Nhiều em đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, đỗ vào các trường đại học uy tín…

Thực hiện tốt chính sách dân tộc

Trường PT DTNT được thành lập để đào tạo cho con em các dân tộc thiểu số, vùng cao nên được thực hiện theo các chế độ, chính sách của Nhà nước. Thời gian qua, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác giáo dục học sinh dân tộc. Đồng thời, triển khai đầy đủ các chế độ chính sách cho học sinh của trường. Cụ thể, thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Tài chính về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường PT DTNT và các trường dự bị đại học dân tộc như học bổng, trang bị cung cấp hiện vật (mùng, chiếu, mền và đồng phục), khen thưởng, tàu xe, học phẩm, sách giáo khoa, chi tiền điện, nước phục vụ việc học tập và sinh hoạt… Ngoài ra, thực hiện chế độ chính sách cho trẻ em dân tộc thiểu số ít người theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP.

Theo thầy Dũng, hiện nhà trường chưa có biên chế cho người làm công tác quản lý học sinh nội trú. Một số hạng mục cơ sở đã xuống cấp khá trầm trọng, cần xây mới, sửa chữa, nâng cấp để trường có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dạy học sinh nội trú tốt hơn. Cùng với đó, chế độ chính sách cho các em học sinh cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay…

Trường PT DTNT là loại hình trường công lập, chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trường dành cho học sinh các dân tộc thiểu số (DTTS) với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có trình độ cho vùng DTTS, miền núi.

THANH THUỶ

Related articles
Nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số
Cùng với việc chăm lo xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục - thể thao, để rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số