Nâng cao nhận thức về hôn nhân cho đồng bào dân tộc thiểu số

23/08/2023, 06:09

Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình đã từng bước được nâng lên. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được đẩy lùi, nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn biến phức tạp. Để thay đổi tình trạng này cần có sự chung tay của các cấp các ngành và nhất là phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số.

Hôn nhân cận huyết thống được đẩy lùi, tảo hôn còn diễn biến phức tạp

Vài chục năm trở về trước, khi những hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thường sống ở một vùng tách biệt và ít giao lưu với bên ngoài, thì tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra. Một phần vì sự hiểu biết của người đồng bào DTTS về sức khỏe sinh sản còn hạn chế, phần về truyền thống văn hóa của dân tộc không ngăn cấm điều này. Khi đó, không hiếm những trường hợp anh em con chú, bác ruột yêu và lấy nhau. Nhưng nay, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS đã được nâng cao, người dân được trang bị kiến thức về sinh sản và những hệ lụy đối với thế hệ tương lai trong những cuộc hôn nhân cận huyết thống gây ra. Con em được học hành bài bản, đi làm việc ở khắp nơi, tiếp cận với những nét văn hóa mới... nên việc hôn nhân cận huyết thống gần như không còn. Bà Mang Hồ, người dân xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình cho biết: “Trước kia con của cô, cậu ruột hoặc chú, bác ruột lấy nhau được, bây giờ dường như không có... Hơn nữa, đi đăng ký kết hôn UBND xã không chấp nhận, ai cố tình lấy nhau là bị phạt”.

8e678966f01822467b09.jpg
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị triển khai dự án 8

Chuyển biến này là nhờ sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào DTTS giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống. Qua đó giúp họ hiểu những hệ lụy nghiêm trọng mà hôn nhân cận huyết thống gây ra cho bản thân họ và xã hội.

Nếu như tình trạng hôn nhân cận huyết thống thời gian vừa qua đã được đẩy lùi, gần như không còn diễn ra, thì tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn diễn biến phức tạp. Phần lớn người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đều sinh sống tại những vùng núi, đất đai khô cằn, đời sống người dân vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp làm nương rẫy. Trẻ em ở đây thường nghỉ học sớm để phụ giúp ba mẹ việc nương rẫy. Nhiều hộ dân vẫn còn có quan niệm cho con lấy vợ sớm để có thêm nhân lực phụ giúp gia đình làm việc. Một số em sau khi nghỉ học thì vào TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai làm việc. Rồi ở đây, các em quen nhau, sống chung như vợ chồng, rồi đến lúc có thai cả 2 đưa nhau về nhà làm đám cưới. Thậm chí, một số người dân vẫn còn suy nghĩ 2 đứa trẻ yêu nhau và muốn sống với nhau thì không nên cấm cản vì đó là quy luật. Những nếp nghĩ, quan điểm trên của họ đã khiến tình trạng tảo hôn diễn biến dai dẳng dù các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về tình trạng này.

514a5fc65dca8f94d6db(1).jpg

Chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Chương trình mục tiêu có 10 dự án thành phần. Trong đó, có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Mục tiêu chung của Dự án 8 được xác định là “Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” với đối tượng thụ hưởng chính của Dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo... Tại Bình Thuận có 20 thôn/12 xã/ thuộc 4 huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ thực hiện dự án này.

Dự án 8 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì thực hiện. Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ tập trung vào 4 nội dung lớn gồm: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Theo mục tiêu của chương trình, đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận sẽ đạt được các chỉ tiêu cơ bản của Dự án 8 là: 20 Tổ truyền thông cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động; 15 Tổ tiết kiệm vay vốn thôn buôn (TKVVTB) được củng cố, nâng cao chất lượng/hoặc thành lập mới và duy trì. Trên cơ sở Tổ TKVVTB: Thí điểm hỗ trợ giới thiệu 15% thành viên Tổ TKVVTB hiện có tiếp cận với các định chế tài chính chính thức; thí điểm hỗ trợ 15% thành viên của Tổ TKVVTB hiện có phát triển sinh kế; thí điểm 5 Tổ TK VVTB áp dụng phương pháp học tập và hành động giới; 1 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; 5 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có/hoặc thành lập mới; 80% phụ nữ thuộc nhóm dân tộc có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn; 5 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động; 11 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn...

NGUYỄN LUÂN

Related articles
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình các cấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh năm 2023 giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 (viết tắt Chương trình MTQG).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao nhận thức về hôn nhân cho đồng bào dân tộc thiểu số