Thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp

22/08/2023, 05:12

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bình Thuận, sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh tập trung thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước…

Vượt khó, tạo đà phát triển nông nghiệp nhờ thủy lợi

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh nhìn nhận, hơn 2 năm qua, ngành nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện kế hoạch trong điều kiện nhiều khó khăn. Đó là diễn biến thiên tai phức tạp, khó lường, giá cả đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ nông sản biến động… đã tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch của ngành. Tuy vậy, ngành cũng có những thuận lợi cơ bản là nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ và tỉnh được ban hành kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Nổi bật là nhiều công trình thủy lợi, cấp nước, phòng chống thiên tai được đầu tư và phát huy hiệu quả. Nhờ đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

z4502806770567_6a8ad44991949a0521975c5a3d86117b.jpg
Nông dân chăm sóc thanh long.

Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, toàn ngành đã tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc. Yếu tố vô cùng quan trọng góp sức vào nhiệm vụ ấy, là thời gian qua, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư tăng thêm, nhất là hệ thống thủy lợi.

z4601236235758_47b974085a1483c990647d1443f3eeff(1).jpg
Hồ chứa nước Đu Đủ (Hàm Thuận Nam).

Nổi bật từ năm 2021 đến nay, ngành tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi, như tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hồ chứa, hệ thống kênh chính gắn với khuyến khích người dân tích cực làm thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, bảo đảm tính kết nối hệ thống. Phát triển hệ thống kênh tiếp nước nối mạng nhằm đảm bảo chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân, nhất là vùng khô hạn. Đến nay tỉnh đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 7 hồ chứa bằng nguồn vốn vay WB, gồm hồ Sông Quao, Đá Bạc... Mặt khác, tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án, công trình thủy lợi như Kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân, Kênh chuyển nước Suối Măng - Cây Cà… Phấn đấu đến năm 2025 không còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn.

z4465795306074_aa288a7948df252165acb899e113d484.jpg
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại Đức Linh.

Phát huy nông nghiệp công nghệ cao

Từ nguồn nước thủy lợi, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường, thu hút một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng, những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn. Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi 17.734 ha. Các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa. Thanh long vẫn là cây trồng lợi thế, nên việc sản xuất thanh long theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương được quan tâm đẩy mạnh. Toàn tỉnh có trên 9.000 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP; 560,5 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP và 93 ha thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ. Đồng thời đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

ban-sao-z3321898913572_39fecf01d2fcdc81d453d5e51c5a6ef2-2.jpg
Thu hoạch lúa.

Đáng nhắc đến, hiện toàn tỉnh từng bước hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trong đó, đã hình thành các vùng chuyên canh cây thanh long chất lượng cao tại huyện Hàm Thuận Nam 7.624 ha, huyện Hàm Thuận Bắc 2.436 ha... Hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao 24.413 ha ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh và thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch 10.556 ha lúa. Riêng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lồng trên địa bàn tỉnh là 56,2 ha/366 nhà màng, chủ yếu trồng rau các loại, dưa lưới… và trên 3.000 ha lúa của huyện Tánh Linh…

z4241460889407_0d50d26a81855814384d9f66772bcd27.jpg
Sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao tại Bắc Bình.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng nhìn nhận thực tế, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp còn hạn chế. Việc theo dõi, chỉ đạo khâu tiêu thụ một số nông sản chưa đạt hiệu quả cao, nhất là tiêu thụ thanh long. Bên cạnh, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế so với yêu cầu. Chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản trên thị trường còn thấp…

Thời gian tới, Tỉnh ủy Bình Thuận cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Ưu tiên phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, gắn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính vì vậy, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thời gian tới ngành tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn. Tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, dịch vụ theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến 2025, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 22 - 23% trong giá trị tăng thêm; giữ ổn định tỷ lệ và nâng cao chất lượng độ che phủ rừng đạt 43%; có 5 huyện, 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững.

Để đạt được các mục tiêu này, ngành chủ động chống hạn, điều tiết các nguồn nước phục vụ sản xuất. Song song, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, trong đó tập trung cây thanh long, cây lúa và một số cây trồng khác. Bên cạnh, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất tốt và tương đương gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung được cấp mã số vùng trồng đảm bảo truy xuất nguồn gốc…

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông – lâm – thủy sản bình quân 2 năm 2021 – 2022 đạt 2,75% (mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra là 2,8 - 3,3%/năm). Tỷ trọng nhóm ngành nông – lâm – thủy sản trong GRDP toàn tỉnh giảm dần, phù hợp định hướng chung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh (năm 2021 là 28,77%; năm 2022 là 27,37%).

KIỀU HẰNG

Related articles
Phát huy hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong những tháng đầu năm 2023, các mặt hoạt động của ngành tiếp tục duy trì ổn định. Nhất là tình hình nguồn nước tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, từ những khó khăn đan xen, cần sự nỗ lực của ngành và các địa phương để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp