Phát huy hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp

20/07/2023, 05:16

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong những tháng đầu năm 2023, các mặt hoạt động của ngành tiếp tục duy trì ổn định. Nhất là tình hình nguồn nước tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, từ những khó khăn đan xen, cần sự nỗ lực của ngành và các địa phương để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra.

Diện tích sản xuất vượt kế hoạch

Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, vụ đông xuân 2022 - 2023 thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất trồng trọt. Trữ lượng nước tại các hệ thống công trình thủy lợi, các hồ chứa cơ bản đảm bảo cho sản xuất cây hàng năm nên thời gian xuống giống vụ đông xuân đúng theo kế hoạch, diện tích gieo trồng vượt 11,2% kế hoạch (52.290/ 47.000 ha). Trong đó, diện tích cây lương thực đạt 42.763/39.150 ha. Riêng cây lúa đạt trên 39.400/ 36.415 ha kế hoạch… Sản lượng lương thực vụ đông xuân ước đạt 290.800 tấn, tăng 2.609 tấn so vụ đông xuân năm trước.

z4527834518184_48c22294fad5ca1e06777aa94d9168b7.jpg
Nông dân chăm sóc lúa.

Bước sang vụ hè thu 2023, tại những vùng chủ động nước, các địa phương đã tập trung xuống giống. Tùy theo điều kiện nguồn nước, dự báo rầy nâu di trú để triển khai xuống giống tập trung, đồng loạt, phù hợp cho từng khu vực, từng cánh đồng. Đối với các vùng chưa chủ động hoàn toàn nguồn nước tưới, tùy tình hình nguồn nước tại chỗ và diễn biến của thời tiết, các địa phương bố trí lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng phù hợp, hoàn thành diện tích gieo trồng lúa theo kế hoạch với trên 41.000 ha. Đặc biệt, để phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, trong vụ đông xuân vừa qua,   toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 3.642 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn. Các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều phát triển tốt, một số diện tích cây công nghiệp ngắn ngày đã thu hoạch cho năng suất, hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa. Đồng thời, tỉnh thực hiện 552,4 ha giống lúa xác nhận. Các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gần 3.000 ha, trong đó, liên kết chuỗi trong sản xuất lúa 2.860 ha, liên kết chuỗi trong sản xuất mè, rau, đậu các loại 67 ha và duy trì ổn định diện tích lúa chất lượng cao 3.000 ha tại huyện Tánh Linh.

z4260685641164_1bf5d60db4a95c5e7e223d3ef9d849af.jpg
Thu hoạch lúa.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của ngành

Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, bên cạnh kết quả tích cực đạt được, ngành nông nghiệp tỉnh còn nổi lên một số khó khăn, tồn tại. Đó là trong bối cảnh tình hình thời tiết ít thuận lợi, giá tôm thương phẩm thấp đã ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống của tỉnh. Bên cạnh, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp còn hạn chế. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn, bất cập. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế so với yêu cầu. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản trên thị trường còn thấp. Bên cạnh, tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh vật nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh gây hại…

Để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của ngành năm 2023, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, ngành và các địa phương cần tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè thu và vụ mùa 2023 đạt kết quả, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 800.000 tấn lương thực. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa giống lúa, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận, sử dụng hiệu quả đất lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa cây lương thực và các cây trồng khác.

Song song, tăng cường tính dự báo, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình và xử lý kịp thời sâu bệnh trên cây trồng. Tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát diện tích thanh long, xây dựng kế hoạch phát triển cân đối, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh sản xuất, kiểm tra, chứng nhận thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, cần tăng cường tái cấp chứng nhận đối với các diện tích hết hiệu lực chứng nhận, gắn với tăng cường vệ sinh đồng ruộng, phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long, đặc biệt trong mùa mưa. Kiểm soát việc sử dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long và rau màu…

K. HẰNG

Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp