Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Xu thế tất yếu – giải pháp đột phá. Bài 2

29/06/2023, 05:13

Bài 2: Tận dụng thời cơ - tháo gỡ khó khăn

Nông nghiệp là một trong số các ngành, lĩnh vực được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định cần ưu tiên trong chuyển đổi số. Tại Bình Thuận, song song thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, hiện nay UBND tỉnh cùng các sở ngành, địa phương đang tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết 05 – NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp xanh hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Cùng với nhiều chương trình, dự án khác, cây thanh long và sầu riêng là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển chuyển đổi số của tỉnh, thông qua việc truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói (CSĐG) và giao dịch trên sàn thương mại điện tử các sản phẩm OCOP…

Mở ra nhiều cơ hội

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang mở ra nhiều thời cơ để ngành nông nghiệp giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế. Những kết quả ấy được “tư lệnh” ngành nông nghiệp – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ về kết quả đạt được năm 2022. Đó là kim ngạch xuất khẩu nông – lâm - thủy sản cả năm đạt trên 53 tỷ USD, xuất siêu sản phẩm nông nghiệp chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022… Cùng với đó là những mô hình mới, hiệu quả, những con số, thông tin đáng phấn khởi, gắn với người sản xuất, người nông dân, khi tiết giảm được chi phí sản xuất, cải thiện thu nhập, nhờ ứng dụng kỹ thuật, chuyển đổi số, phát triển kinh tế nông thôn.

z4465752441626_7b4c8478db077cd0f092aede525f5ed3.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao bằng Kỷ lục châu Á cho Hiệp hội Thanh long Bình Thuận.

Năm 2023 đón tin vui khi Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức công bố xác lập 9 kỷ lục châu Á mới, trong đó Bình Thuận vinh dự có 2 đặc sản là thanh long và nước mắm thương hiệu Con Cá Vàng Phan Thiết. Cũng trong tháng 4/2023, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là đề án nhằm thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao – nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Song song, trong tháng 6/2023 Bình Thuận triển khai các giải pháp thí điểm “Xây dựng hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long Bình Thuận”. Qua đó, mục tiêu nâng cao hình ảnh trái thanh long sạch đến khách hàng và thay đổi tư duy canh tác của bà con hướng tới trồng sạch và an toàn…

thanh-long-hang.jpg
Thanh long Bình Thuận.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, Bình Thuận có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 700.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 356.000 ha, với các loại cây trồng chính như lúa, thanh long, cao su, điều và cây ăn trái... Đến nay diện tích thanh long toàn tỉnh trên 27.000 ha, với hơn 9.000 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP. Ngoài tiêu thụ trái tươi, tỉnh đang đẩy mạnh các sản phẩm thanh long chế biến phục vụ cho việc xuất khẩu như thanh long sấy khô, rượu thanh long, mứt, nước ép từ thanh long… Đây là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và hiện tiêu thụ khá mạnh ở thị trường trong nước, thông qua các gian hàng và sàn thương mại điện tử. Ở thị trường quốc tế, thanh long Bình Thuận được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU). Nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit” đã được 14 nước, vùng lãnh thổ bảo hộ.

z4465979943562_292a3669465603b408d359402675dc56.jpg
Sầu riêng Đa Mi.

Theo ông Võ Văn Ty – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh, một địa phương phát triển mạnh về sản xuất nông nghiệp của Bình Thuận chia sẻ: “Chuyển đổi số nông nghiệp tạo hòa nhập, kết nối thông tin sản xuất và thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp kịp thời hơn, giúp công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt hơn. Nông dân chủ động hơn trong xác định cơ cấu mùa vụ và chủng loại sản phẩm theo đơn đặt hàng đầu ra. Người tiêu dùng rộng đường hơn trong lựa chọn sản phẩm mình cần, phù hợp sở thích và khả năng thanh toán, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi cung ứng, tạo sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh”.

z4465989292034_5a5e19cae216fb6221cf563d9f8e03d9.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (giữa) trong lần thị sát cơ sở đóng gói thanh long tại Bình Thuận năm 2022.

Đáng chú ý, Bình Thuận vừa chính thức được phía Trung Quốc phê duyệt 2 MSVT sầu riêng xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này. Đây là một trong những MSVT sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra hướng đi tích cực cho sầu riêng Bình Thuận. 1 trong 2 mã số được cấp cho HTX sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi (HTX Đa Mi). HTX này quyết tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia OCOP và tiếp tục xây dựng mã QR, logo, tem truy xuất nguồn gốc… Theo bà Huỳnh Thị Thanh Xuân - đại diện HTX Đa Mi, sau khi được công bố MSVT, tình hình sản xuất và tiêu thụ có hướng tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp thu mua và thương lái biết đến HTX và liên hệ hợp tác.

z4362560271120_19ab7b8236a28540a9afd58c03e8f819.jpg
Doanh nghiệp, HTX thanh long Bình Thuận xúc tiến thương mại tại Hà Nội.

Thách thức trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Bên cạnh thuận lợi và thời cơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, ngành nông nghiệp trong nước đang phải đối mặt với 3 chữ “biến”, đó là “biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng”. Trong đó, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm; chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhất là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển.

Riêng với việc thiết lập MSVT và CSĐG trên địa bàn Bình Thuận, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, khó khăn hiện nay là các vùng trồng đứng tên theo xã do diện tích lớn, nhiều hộ dân tham gia nên công tác rà soát, quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Thách thức hiện nay trong chuyển đổi số nông nghiệp, đó là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu sự kết nối nên chưa tạo được lượng hàng hóa tập trung với số lượng lớn, chủng loại chưa đồng đều, chất lượng thiếu đồng bộ theo tiêu chuẩn. Hơn nữa là thiếu ngân hàng cơ sở dữ liệu khi chuyển đổi số (bản đồ số, quy hoạch số, dữ liệu thông tin số). Ngoài ra, trình độ tiếp cận và chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số của nông dân, HTX, cơ quan chuyên môn còn nhiều hạn chế và bất cập, như thiết bị, phần mềm, cơ sở vật chất khác…

Tỉnh ủy Bình Thuận đánh giá, nhìn chung, kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa vững chắc, chủ yếu theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, phân tán; liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ còn nhiều hạn chế; sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Riêng trong lĩnh vực chuyển đổi số nông nghiệp, thực tế cho thấy ngoài một số doanh nghiệp, cá nhân điển hình đã tiên phong áp dụng chuyển đổi số, thực tế trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, việc thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp chậm được triển khai bằng các chương trình hành động căn cơ, quyết liệt, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, diện tích canh tác các loại sản phẩm có thế mạnh còn nhỏ, manh mún, theo hộ cá thể. Đó là thách thức không nhỏ của sản xuất hàng hóa và chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế… Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên được xác định chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo…

Bài 1: Lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số nông nghiệp

Bài 3: Cần sự đồng bộ, quyết liệt

KIỀU HẰNG

Related articles
Mở rộng thị trường tiêu thụ cho thanh long Bình Thuận
Thanh long Bình Thuận được xem là sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên gần đây, tình hình xuất khẩu hàng hóa của địa phương, trong đó có nhóm hàng nông sản (chủ lực là trái thanh long) cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy địa phương sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long với dự báo đạt sản lượng khoảng 663.000 tấn trong năm 2023.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Xu thế tất yếu – giải pháp đột phá. Bài 2