Mở rộng thị trường tiêu thụ cho thanh long Bình Thuận

17/05/2023, 05:36

Thanh long Bình Thuận được xem là sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên gần đây, tình hình xuất khẩu hàng hóa của địa phương, trong đó có nhóm hàng nông sản (chủ lực là trái thanh long) cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy địa phương sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long với dự báo đạt sản lượng khoảng 663.000 tấn trong năm 2023.

Bức tranh tổng thể

Thời gian qua, thanh long Bình Thuận chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa (khoảng 15% sản lượng) và tham gia xuất khẩu (chiếm 85% sản lượng). Trong xuất khẩu chỉ có 2 - 3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc, hoặc liên kết với doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu.

co-so-so-che-thanh-long-xuat-khau-o-ham-thuan-nam-anh-ngoc-lan-1-.jpg
thanh-long-duoc-chuyen-len-xe-container-de-xuat-khau-anh-n.lan-2-.jpg
Hoạt động tại một cơ sở tham gia xuất khẩu thanh long Bình Thuận (Ảnh: Ngọc Lân).

Được biết thị trường xuất khẩu chính ngạch của thanh long Bình Thuận hiện nay là châu Á (chiếm tỷ trọng khoảng 75% về sản lượng), bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất… Trong khi thị trường châu Âu (chiếm tỷ trọng khoảng 8%) có Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha, còn thị trường châu Mỹ (chiếm tỷ trọng khoảng 15%) là Canada, Mỹ và thị trường châu Đại Dương (chiếm tỷ trọng không đáng kể) chủ yếu tiêu thụ tại Úc, New Zealand… Đối với Nhật Bản, hiện nay thanh long Bình Thuận đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công và là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với thị trường này.

Nhìn tổng thể, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ dưới hình thức xuất khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm phần lớn về sản lượng (khoảng từ 70 - 80%), theo đó được doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh thu mua, vận chuyển ra các cửa khẩu phía Bắc để xuất sang Trung Quốc. Chủ yếu thông qua các cặp cửa khẩu: Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc), Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc), Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc).

Vẫn còn gặp khó

Kết thúc quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 164 triệu USD, giảm gần 11% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 20% so với kế hoạch, trong đó nhóm hàng nông sản đạt 2,9 triệu USD, giảm 3,26%. Riêng thanh long xuất khẩu chính ngạch trong quý đầu năm nay có 1.150 tấn với kim ngạch đạt 1,8 triệu USD, giảm 13,17% so cùng kỳ năm trước… Với xuất khẩu tiểu ngạch, Sở Công Thương cho biết theo số liệu tổng hợp từ các tỉnh biên giới phía Bắc thì trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng thanh long xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung khoảng 84.300 tấn, phần lớn vẫn là thanh long Bình Thuận. Tuy nhiên tại thị trường Trung Quốc, Tổng cục Hải quan nước này đã ban hành một số Lệnh (số 248, 249, 259) trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu. Đồng thời thắt chặt quy trình quản lý an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc và tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài... Do vậy khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, trường hợp hàng hóa lưu kho lâu ngày sẽ ảnh hưởng chất lượng sản phẩm và gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp. Thêm nữa là, doanh nghiệp địa phương còn thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch thanh long của thị trường Trung Quốc và các thị trường nhập khẩu thanh long khác.

Gần đây, việc đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường châu Âu, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á vẫn gặp khó khăn, ngoài ra sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng chậm. Lý giải điều này, ngành chức năng cho rằng do doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu gia công, hoặc bán thanh long Bình Thuận cho doanh nghiệp khác xuất khẩu nên không thể hiện kim ngạch thu về cho địa phương... Trong xuất khẩu thanh long, tỉnh cũng định hướng phát triển thêm thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ và các quốc gia đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Và dù đã được quan tâm triển khai, song xuất khẩu thanh long Bình Thuận lại gặp khó trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ do bị đứt gãy chuỗi cung ứng bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở một số nước vào thời gian qua...

Mở rộng thị trường

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thanh long tại địa phương đa số có quy mô vừa và nhỏ, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại eo hẹp. Thế nên việc tham gia chương trình xúc tiến thương mại cũng hạn chế, vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước mà nhất là với hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tới đây địa phương sẽ quan tâm hỗ trợ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (chủ yếu là thanh long) tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Theo đó tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó còn hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thanh long Bình Thuận tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành trái cây, rau quả có uy tín được tổ chức hàng năm... Với Trung Quốc thì chú trọng đến các hoạt động tham gia hội chợ, triển lãm quy mô lớn, mang tính quốc tế cao nhằm tìm kiếm cơ hội giao dịch, kết nối trực tiếp với đối tác nhập khẩu có uy tín, hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Mặt khác sẽ củng cố, phát triển mở rộng đối với các thị trường truyền thống, xúc tiến mở thêm thị trường mới và tiềm năng, trong đó chú trọng thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh hoặc các quốc gia Trung Đông, những nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Liên quan vấn đề này, sở chức năng của tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu mặt hàng thanh long (cả trực tiếp lẫn trực tuyến) qua các thị trường, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hay như hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thanh long Bình Thuận và giới thiệu các đối tác đến giao dịch, nhập khẩu, phân phối sản phẩm thanh long tại gian hàng trưng bày trong quá trình địa phương tổ chức đoàn giao thương tỉnh Bình Thuận tham gia Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải - Trung Quốc (theo Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia năm 2023).

Bên cạnh đó cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa cây thanh long vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia để có chiến lược xây dựng thành ngành hàng phát triển bền vững. Quan tâm tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như yêu cầu quy định, rào cản kỹ thuật của thị trường xuất khẩu... Đối với tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đề nghị tiếp tục hỗ trợ địa phương quảng bá thanh long Bình Thuận tại thị trường các nước.

Dự ước trong năm nay, sản lượng thanh long của tỉnh có thể đạt 663.000 tấn (bằng 111% kế hoạch năm), tính riêng quý II/2023 có khoảng 150.000 tấn. Tuy nhiên thời gian này, thanh long Bình Thuận tham gia xuất khẩu phải cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng loại của các nước như Thái Lan, Trung Quốc và nhiều loại trái cây nhiệt đới khác đang vào mùa vụ, nên việc tiêu thụ có thể gặp nhiều khó khăn…

Đ.QUỐC

Related articles
Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng
Cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nêu rõ các nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.

(0) Comments
Focus
A New Rising Star
BTO-Joao Fonseca, a tennis player ranked 145th in the ATP standings, has caused a stir in the global tennis community after winning the 2024 Next Gen ATP Finals with the lowest ranking among the players in the tournament. With a mature, intelligent, and powerful playing style, Joao promises to be a formidable opponent for Alcaraz and Sinner in the 2025 season.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng thị trường tiêu thụ cho thanh long Bình Thuận