Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga đâm xuống bề mặt Mặt Trăng

21/08/2023, 14:32

Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos xác nhận sứ mệnh thăm dò của Luna-25 đã thất bại sau khi tàu vũ trụ này đâm vào bề mặt Mặt Trăng.

Sự cố tàu Luna-25 đâm vào Mặt Trăng là đón giáng mạnh vào tham vọng vũ trụ của Nga. Thất bại xảy đến sau khi liên lạc với tàu vũ trụ robot này bị gián đoạn.

nga-phong-tau-vu-tru-luna-25-huong-ve-mat-trang-roscosmos.jpg
Nga phóng tàu vũ trụ Luna-25. Ảnh: Roscosmos.

Cơ quan hàng không vũ trụ của Nga, Roscosmos, cho biết họ mất liên lạc với Luna-25 vào khoảng 14h57 (giờ Moscow) ngày 19/8.

Roscosmos nói: “Vào các ngày 19-20/8, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp để tìm kiếm thiết bị này và liên lạc với nó nhưng không thu được kết quả nào”.

Cơ quan vũ trụ Nga cho hay, theo “phân tích sơ bộ”, Luna-25 “chuyển sang quỹ đạo ngoài thiết kế” trước khi xảy ra va chạm.

Hiện chưa rõ điều gì đã gây ra vụ va chạm mạnh với Mặt Trăng.

Theo Roscosmos, một ủy ban đặc biệt sẽ điều tra nguyên nhân mất Luna-25.

Tin tức mới trên xuất hiện chỉ một ngày sau khi tàu vũ trụ thông báo có một “tình huống khẩn cấp” khi đang cố gắng tiến vào một quỹ đạo tiền hạ cánh.

Đăng tải của Roscosmos trên mạng xã hội Telegram hôm 19/8 có đoạn: “Trong quá trình bay, một tình huống khẩn cấp xảy ra trên khoang trạm tự động, điều này cản trở thực hiện động tác cơ động theo các thông số cụ thể”.

Sứ mệnh của tàu vũ trụ Luna-25 là hoàn thiện nhiệm vụ hạ cánh đầu tiên của Nga lên Mặt Trăng sau 47 năm. Tàu vũ trụ trước đó của Nga, Luna-24, hạ cánh lên bề mặt Mặt Trăng vào ngày 18/8/1976.

Tàu Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny tại tỉnh Amur của Nga vào ngày 10/8, với hành trình bay gấp tới Mặt Trăng.

Quỹ đạo của Luna-25 cho phép nó vượt tàu đổ bộ mặt trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ, được phóng vào giữa tháng 7, hiện đang trên đường tới bề mặt Mặt Trăng.

Dự án hàng thập kỷ

Còn có tên gọi là Luna-Glob-Lander, tàu vũ trụ Luna-25 lên đường để nghiên cứu trong một năm cấu tạo đất cũng như tầng ngoài cùng rất mỏng của khí quyền Mặt Trăng. Quỹ đạo của nó cho phép tàu đi tắt, vượt qua tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ được phóng sớm hơn.

Cả tàu vũ trụ của Nga và Ấn Độ đều hướng tới vùng cực Nam của Mặt Trăng. Đây là khu vực còn ít được khám phá nhất của Mặt Trăng. Các nhà khoa học tin rằng tại khu vực này, nước được lưu trữ dưới dạng băng, đông cứng trong hố tối không bị Mặt Trời rọi chiếu.

Dự án khám phá của cả Nga và Ấn Độ đều đã hoạt động hơn một thập kỷ.

Ban đầu Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ châu Âu có kế hoạch hợp tác trong chuyến bay của Luna-25 cũng như Luna-26 và Luna-27 và cả với xe tự hành ExoMars.

Nhưng mối quan hệ đối tác đó ngừng lại vào tháng 4/2022 sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và Hội đồng Cơ quan Vũ trụ châu Âu tiến tới “ngưng hoạt động hợp tác với Nga”.

Luna-25 có 8 dụng cụ khoa học, bao gồm các thiết bị đặc biệt mang tên máy quang phổ. Theo NASA, có một máy nhằm nghiên cứu đất Mặt Trăng, một máy khác để dò tìm nước trên bề mặt Mặt Trăng.

Trong khi đó, tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ có một thiết bị đổ bộ, module đẩy và một xe tự hành mà hiện Nga chưa có. Xe tự hành robot nhỏ của họ có thể đi trên bề mặt Mặt Trăng.

Việc đổ bộ sắp tới của Chandrayaan-3 có thể đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ đưa được thành công tàu lên Mặt Trăng.

Nỗ lực đổ bộ gần đây nhất của Ấn Độ đã kết thúc thất bại khi tàu Chandrayaan-2 đâm vào Mặt Trăng vào tháng 9/2019.

Dự kiến Chandrayaan-3 sẽ hạ cánh lên Mặt Trăng vào ngày 23/8 này.

Rủi ro đối với chương trình vũ trụ của Nga

Luna 25 được xem là cơ sở cho hoạt động thăm dò mặt trăng của Roscosmos bằng robot trong tương lai. Theo kế hoạch, một số tàu vũ trụ Luna tương lai sẽ sử dụng cùng mẫu thiết kế này.

Nếu thành công, Luna 25 sẽ đánh dấu bước tiến lớn trong chương trình vũ trụ dân sự của Nga và cho thấy quốc gia này hiện vẫn có thể thực hiện được các sứ mệnh tầm vóc khám phá vũ trụ.

Tin tức về các vấn đề mà ngành vũ trụ Nga vừa gặp đã nhận được sự cảm thông từ cộng đồng nghiên cứu, khám phá vũ trụ trên thế giới.

Thomas Zurbuchen - cựu trưởng bộ phận khoa học của NASA, đăng tải lên mạng xã hội đoạn sau: “Hạ cánh lên một thiên thể không dễ và đơn giản. Việc đã có dự án hàng thập kỷ trước không nhất thiết đảm bảo cho thành công ngày hôm nay”.

H LAN (TỔNG HỢP)

Related articles
Động đất mạnh 6,1 làm rung chuyển thủ đô Bogota, Colombia
Giới chức Colombia cho biết trận động đất độ lớn 6,1 đã làm rung chuyển thủ đô Bogota của nước này vào trưa 17/8 theo giờ địa phương, làm kích hoạt còi báo động và khiến người dân hoảng loạn, trong đó 1 phụ nữ đã thiệt mạng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu vũ trụ Luna-25 của Nga đâm xuống bề mặt Mặt Trăng