Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Hàm Thuận Nam đang vào giai đoạn tăng tốc phát triển

26/05/2023, 05:17

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện (1/6/1983 - 1/6/2023), phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn ông Trần Ngọc Diệp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của chặng 40 năm, đã gỡ tình trạng khô, khó và khổ như thế nào, cũng như phân tích các yếu tố đã hội tụ để Hàm Thuận Nam đang vào giai đoạn tăng tốc cho phát triển.

Sự kiện cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết thông xe vào đúng ngày 29/4 vừa rồi trùng với dịp nghỉ lễ dài đến 5 ngày khiến Hàm Thuận Nam được du khách biết đến nhiều hơn, khi đường nối cao tốc vào TP. Phan Thiết, đổ tại điểm km14 xã Hàm Kiệm. Đó cũng là lý do, vùng ven biển của huyện đón khoảng 14.100 lượt khách du lịch, bao gồm khách tham quan và lưu trú với doanh thu đạt khoảng 3,8 tỷ đồng. Chưa bao giờ trong vài ngày lễ, du lịch của huyện thu về con số như thế. Theo giới quan tâm đến du lịch đánh giá, thời gian tới Hàm Thuận Nam sẽ bắt đầu từ sự kiện này đi lên. Và thành quả từ 40 năm từ khi thành lập huyện là nền tảng, cơ sở cho sự phát triển ấy. Bởi nguyên nhân quyết định là cao tốc đã xong, các tuyến đường đối ngoại của huyện cũng sẽ hoàn thành trong 1-2 năm tới. Tất cả đã gỡ được cái khó của Hàm Thuận Nam trong phát triển kinh tế - xã hội lâu nay?

htn-1-.jpg

Ông Trần Ngọc Diệp - Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP. Hồ Chí Minh và Bình Thuận chỉ còn 2 tiếng đồng hồ. Đây là động lực đáng kể giúp huyện thu hút lượng khách đến Hàm Thuận Nam và các dự án vào Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, II. Không dừng lại ở đó, các dự án hạ tầng đường Hàm Kiệm – Tiến Thành điểm đầu kết nối đường dẫn vào cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (ở đoạn QL1A), điểm cuối kết nối với ĐT 719B. Làm mới đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết – Kê Gà và đoạn Hòn Lan – Tân Hải) và nâng cấp, mở rộng 32km đường ĐT719 hiện hữu. Khi hoàn thành sẽ tạo ra mạch nối thông suốt kết nối liền mạch các khu vực ven biển từ Xuyên Mộc (Vũng Tàu) qua Kê Gà đến tận Mũi Né, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Hàm Thuận Nam tiếp tục phát triển.

Như vậy, thế khó lâu nay của huyện đã và đang được gỡ, tương tự như câu chuyện Đảng bộ và nhân dân trong huyện đoàn kết, chung sức trong 40 năm qua gỡ dần nỗi lo thiếu nước sản xuất. Đó cũng là hành trình thắng thiên nhiên, vì vùng đất Hàm Thuận Nam vốn nổi tiếng là khô cằn, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Diệp - Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam: Hàm Thuận Nam là vùng khô hạn nên ngay từ những ngày đầu thành lập huyện đến giờ, lãnh đạo của các thời kỳ đều chú tâm xây dựng các hồ đập, các tuyến kênh tiếp nước. Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để sửa chữa, nâng cấp, kiên cố hóa và đầu tư mới một số công trình thủy lợi. Vì phần lớn các hồ chứa trên địa bàn không lớn như Tà Mon, Tân Lập nên thường mới đầu mùa khô đều đã hết nước. Những công trình đầu tư sau này như hồ Ba Bàu, hồ Đu Đủ, hồ Sông Móng lớn hơn, trữ nước nhiều hơn làm nhiệm vụ chuyển nước về các hồ nhỏ. Sắp tới, khi có hồ Ka Pét, công trình mà tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đa mục tiêu thì sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất như hiện nay.

Lúc đó, người dân Hàm Thuận Nam có thể sẽ nghĩ ra nhiều mô hình sản xuất mới, như những gì diễn ra trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua ở huyện, ông có nghĩ vậy không?

Ông Trần Ngọc Diệp - Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam: Có thể lắm. Vì lúc khó khăn nước, để thích nghi, dân Hàm Thuận Nam tập trung phát triển cây lâu năm, cây ăn trái, thay vì trồng lúa. Đồng thời cũng tích cực đào ao để chôn nước trong vườn, áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ để tiết giảm chi phí nhân công… Từ đây thu hút các công ty, doanh nghiệp quyết định bỏ vốn đầu tư vào nông nghiệp để có những trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện. Với những cách nghĩ, cách làm sáng tạo đó có thể hiểu thêm lý do vì sao Hàm Thuận Nam có 1 vùng chuyên canh thanh long không bị giảm diện tích lẫn chất lượng trái qua sự cố thị trường năm 2022; có đa dạng các sản phẩm chế biến từ trái thanh long như nước ép và si rô thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo, rượu thanh long…

Nhờ vậy, đã làm tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều đó góp phần đưa nền kinh tế của huyện phát triển khá hơn, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua mỗi năm. Từ chỗ gắng có cái ăn, rồi đủ ăn, bây giờ không ít hộ dân có dư, để xây nhà đẹp theo kiến trúc này kia, đi xe hơi. Còn tỷ lệ hộ nghèo, nếu năm 2001 giảm còn 13,47% so tổng dân số trong huyện thì đến năm 2022 chỉ còn 2,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Riêng về thu nhập bình quân đầu người, nếu năm 1995 đạt 135 USD thì đến năm 2022 đạt 49,26 triệu đồng, tương đương 2.080 USD, tăng gấp 15 lần. Đó là kết quả từ sự định hướng của Đảng bộ, đồng hành của chính quyền và nỗ lực của chính Nhân dân.

htn-2-.jpg.jpg
Du khách tham quan nghỉ dưỡng tại biển Kê Gà, Hàm Thuận Nam. Ảnh: N. Lân.

Thời điểm này, Hàm Thuận Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới để tiếp tục khám phá những tiềm năng của vùng đất có biển, rừng, giàu khoáng sản... Nhận định của ông về những lợi thế mới ấy của huyện?

Ông Trần Ngọc Diệp - Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam: Hàm Thuận Nam là cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố Phan Thiết; đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện có chiều dài 37,5 km; đường sắt Bắc – Nam đi qua có chiều dài 33 km có điểm kết nối với đường cao tốc phía đông (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây) nên từ trung tâm huyện đi đến nhiều trung tâm tỉnh lỵ và huyện lỵ khác trong vùng duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ rất thuận lợi. Hàm Thuận Nam có tài nguyên thiên nhiên khá phong phú gồm cả tài nguyên rừng, tài nguyên biển và tài nguyên khoáng sản... thuận lợi để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Với hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại đang xây dựng tạo ra thế nhất cự ly, cùng người dân trong huyện khao khát làm giàu chân chính đã hội tụ lợi thế mới để tiếp tục phát triển 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Và giai đoạn tới được xem là tăng tốc phát triển.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền huyện qua các thời kỳ, thời gian tới huyện thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, các khâu đột phá được Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 thông qua, trong đó tích cực triển khai một số giải pháp cụ thể, hợp lòng dân. Cùng với đó tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, nhất là các nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo những bứt phá phát triển.

Cảm ơn ông!

HẢO CHI (THỰC HIỆN)

Related articles
Tiến tới kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Tuy Phong (1/6/1983 - 1/6/2023): Hệ thống giao thông đang mở lối đón nhà đầu tư
Với lợi thế có cảng biển, đường sắt, quốc lộ 1 và cao tốc đi qua địa bàn, giao thông đối nội đối ngoại đã thuận lợi, Tuy Phong lại có bờ biển với các thắng cảnh đẹp, có khu công nghiệp… mọi thứ đã sẵn sàng và đang chờ làn sóng doanh nghiệp đến đầu tư…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Hàm Thuận Nam đang vào giai đoạn tăng tốc phát triển