Động lực mới tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ- các đảo quốc Thái Bình Dương
Sau 8 năm, nguyên thủ quốc gia của Ấn Độ và 14 quốc đảo Thái Bình Dương mới lại có dịp để cùng ngồi bàn bạc các công việc hợp tác. Cuộc họp thượng đỉnh này diễn ra trong một bối cảnh khu vực và quốc tế mới, cả đôi bên bước vào phòng họp với tâm thế và kỳ vọng mới. Chính vì thế, sự kiện ngày hôm qua (22/5) có thể coi là bước ngoặt để cả Ấn Độ và các quốc gia nhỏ bé trên Thái Bình Dương có thể nâng cấp hợp tác lên nhiều mặt.
Trước hết, cần nhìn vào bối cảnh mới để thấy mối quan hệ này cần được củng cố và tăng cường như thế nào. Các quốc gia trên Thái Bình Dương giờ không còn chỉ là những nước nhỏ bé, với tiềm lực và vị thế yếu kém nữa. Địa bàn này giờ đang trở thành ‘sân khấu’ mới cho các cuộc đua địa chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt kể từ khi cạnh tranh Mỹ- Trung Quốc nổi lên và kéo dài suốt nhiều năm qua. Kể từ thập niên 1980, Bắc Kinh đã tiếp cận và xây dựng các mối quan hệ kinh tế với khu vực này. Mối quan hệ này dần được chuyển đổi thành sự tương tác có trọng tâm an ninh nhiều hơn.
Năm 2022, Trung Quốc và quần đảo Solomon đã hoàn tất một hiệp ước với vẻ ngoài là giúp củng cố năng lực đảm bảo an ninh quốc gia cho quốc đảo này. Nhưng giới quan sát lại đặt nhiều nghi vấn vào sự giúp đỡ này khi hiệp ước có các điều khoản cho phép Trung Quốc có thể hiện diện quân sự, hoặc thậm chí là sử dụng lực lượng của mình để bảo vệ các lợi ích của nước này tại Thái Bình Dương. Những ưu đãi này được cho là có liên quan tới khoản viện trợ 730 triệu USD của Trung Quốc vào năm 2019.
Các quốc đảo Thái Bình Dương giờ được xem là mảnh đất nhiều tiềm năng của Sáng kiến Vành đai-Con đường. Trung Quốc đã sử dụng các diễn đàn khu vực như Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) và Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương để xúc tiến ý định này.
Năm 2022, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ một hiệp ước an ninh và kinh tế toàn khu vực với 10 quốc đảo Thái Bình Dương với tên gọi là Kế hoạch hành động 5 năm về phát triển chung. Mặc dù không thành công, nhưng nó nhấn mạnh tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực.
Ngược lại, cách tiếp cận của Mỹ tại đây là khá mờ nhạt trong một thời gian dài. Washington đã không thể và không sẵn sàng ưu tiên các mối quan hệ của mình với các quốc đảo trong khu vực. Người ta cho rằng sự can dự của Mỹ tại đây mang tính đơn phương với việc tập trung vào tiếp cận quân sự, bỏ qua các ưu tiên phát triển của khu vực. Chỉ khi “dấu chân” của Trung Quốc ngày càng lộ rõ, Mỹ cùng các đồng minh mới bắt đầu quá trình trở lại. Cùng các đồng minh như Australia, New Zealand, Nhật Bản hay Anh, Mỹ đã triển khai Sáng kiến Đối tác Thái Bình Dương Xanh để hỗ trợ các quốc gia nhỏ bé nằm giữa đại dương này, với các nguyên tắc như chủ nghĩa khu vực Thái Bình dương, chủ quyền, minh bạch, trách nhiệm giải trình…
Một điểm cần chú ý nữa là nhu cầu và khát vọng phát triển chính đáng của các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh toàn cầu hóa và dịch chuyển quyền lực trong một thế giới đa cực. Những quốc gia này cần sự hỗ trợ của quốc tế khi đối mặt với các thách thức như an ninh, năng lượng, biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng… Mục tiêu của họ là không bị bỏ lại phía sau trong thế giới hiện tại. Sự có mặt của Ấn Độ tại đây và vào thời điểm này để bàn chuyện hợp tác và trợ giúp cũng có mục tiêu như vậy.
Lý do Ấn Độ lại chú trọng đến vấn đề “tiếng nói của các nước Nam bán cầu”
Tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ tại Diễn đàn với các quốc đảo Thái Bình Dương ngày hôm qua phản ánh mong muốn và mục tiêu mà Ấn Độ đang muốn thực hiện trong năm 2023. Năm nay thực sự là một năm bận rộn của quốc gia Nam Á với tư cách là chủ nhà của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), đồng thời là Chủ tịch luân phiên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Đây là cơ hội để Ấn Độ thể hiện tham vọng và năng lực của chính mình như là một cường quốc đang nổi; một cực quan trọng trong thế giới đa cực đang đầy biến động. Tất cả các sự kiện chính trị, kinh tế, mà Ấn Độ tham gia hoặc dẫn dắt trong năm Chủ tịch G-20 đều nhằm mục tiêu thể hiện quan điểm này.
Ấn Độ định vị mình như một nhà trung gian giữa các quốc gia đang phát triển, hay vẫn được gọi là nhóm nước Phương Nam; với bên kia là các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến. Họ tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của các nước Phương Nam; điều phối và truyền tải tới các nước giàu để cùng tìm ra phương cách chung, hợp tác phát triển, thúc đẩy hòa bình, và chung tay giải quyết các vấn đề của thế giới như xung đột vũ trang, dịch bệnh, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai…
Thực tế là các nước Phương Nam chiếm phần lớn dân số thế giới, đóng góp nhiều tài nguyên cho nhân loại nhưng lại chịu nhiều tác động do những diễn biến địa chính trị gần đây trên thế giới. Cụ thể là khủng hoảng lương thực, nhiên liệu do cuộc xung đột tại Ukraine. Chương trình nghị sự G-20 của Ấn Độ, vì thế, được coi là toàn diện, tham vọng, định hướng hành động và quyết đoán. Ấn Độ đang nỗ lực tận dụng vai trò chủ tịch G-20 để tạo tiếng vang cho các nước Nam bán cầu và nêu bật những mối quan tâm chung hiện nay.
Xa hơn, Ấn Độ còn mong muốn cùng các nước đang phát triển góp tiếng nói định hình các vấn đề trọng đại của toàn cầu hiện nay như xác lập trật tự đa phương mới, cải tổ Liên Hợp Quốc, giải quyết các thách thức mà nhân loại đang đối mặt.
Mục tiêu không dễ dàng
Các cường quốc thế giới đang dành những sự quan tâm nhất định tới các quốc đảo Thái Bình Dương, nơi có vị trí địa lý chiến lược, cùng nguồn tài nguyên ẩn chứa. Ví dụ các vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn trên biển của những quốc đảo này được dự báo có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ như khí đốt tự nhiên, hydrocarbon, bên cạnh nguồn lợi về hải sản khổng lồ…
Các cường quốc thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản… đã và đang can dự tại đây với tốc độ và quy mô khác nhau, cả bằng quyền lực cứng lẫn những lợi ích mềm. Với Ấn Độ, nước này chắn hẳn đã tính tới sự cạnh tranh chiến lược tại đây. Nhưng, họ cũng nắm những lợi thế cho mình. Sự gắn kết giữa Ấn Độ với khu vực này nằm ở cộng đồng những người gốc Ấn sinh sống tại các đảo quốc khu vực. Gần 40% dân số Fiji mang dòng máu Ấn, trong khi 3.000 người Ấn đang sống tại Papua New Guine. Yếu tố này, cùng sự đồng điệu trong quan điểm chính trị và phát triển là thứ giúp hai bên duy trì quan hệ tốt đẹp qua thời gian dài.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa đôi bên còn trải rộng và đã có truyền thống và đi vào nhiều lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, Ấn Độ từng dành nhiều khoản viện trợ phát triển các gói tín dụng cho vay, hay gửi tặng các đồ cứu trợ nhân đạo cho các quốc gia này trong nhiều thời điểm khó khăn. Ấn Độ cũng có nhiều thế mạnh chia sẻ và hỗ trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương, như hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu với các thách thức thiên nhiên; y tế và dược phẩm, phát triển nguồn nhân lực; hợp tác khai thác, thăm dò khí đốt, phát triển năng lượng mặt trời… Nhìn chung, sự tương đồng về nhiều mặt cùng các lợi ích đan xen là yếu tố thuận lợi để Ấn Độ khẳng định vị thế tại khu vực Thái Bình Dương rộng lớn.