Các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá
Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid – 19, nhưng Huyện ủy Tuy Phong đã bám sát Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và ban hành Kế hoạch số 15-KH/HU ngày 15/3/2021, trong đó xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề, đề án... để triển khai thực hiện trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng. Nhờ đó, kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh các ngành năng lượng tái tạo, dịch vụ thương mại và du lịch. Sản xuất nông nghiệp ổn định, kết cấu hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục, các chính sách an sinh vùng biển được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biển được cải thiện. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, 3 khâu đột phá cũng đạt kết quả bước đầu. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên. Tập trung thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện; phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng, đổi mới công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thu nhập. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được quan tâm chỉ đạo.
Sau 2 năm và quý I/2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đến nay, các hoạt động kinh tế của huyện đã cơ bản phục hồi và có bước phát triển. Hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển ổn định; đã khai thác và phát huy lợi thế về công nghiệp năng lượng, nhất là điện gió, điện năng lượng mặt trời. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh và thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện phát triển, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của một bộ phận nhân dân.
Song song đó, hoạt động du lịch từng bước phục hồi, lượng khách đến tham quan du lịch tăng mạnh trở lại. Thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt và vượt dự toán tỉnh giao, kết quả thu năm sau cao hơn năm trước, góp phần giải quyết kịp thời các nhiệm vụ chi của huyện, bổ sung vốn đầu tư công. Năm 2021, toàn huyện thu ngân sách nhà nước hơn 300 tỷ đồng/dự toán 186 tỷ đồng, đạt 161,8%. Năm 2022, thu ngân sách hơn 368 tỷ đồng/dự toán 216 tỷ đồng, đạt 170,6% dự toán tỉnh giao. Cơ cấu cây trồng có bước chuyển biến tích cực, một số cây trồng chủ lực, có lợi thế của huyện tiếp tục phát triển mạnh. Cây táo tăng từ 17,5 ha (năm 2019) lên 86,1 ha và hầu hết diện tích đều chuyển sang trồng trong nhà lưới nên năng suất đạt tương đối cao, bình quân từ 22 - 25 tấn/ha. Giống nho NH01-152 (Hồng Nhật) được chú trọng đưa vào sản xuất, thay thế giống nho đỏ trước đây (đến nay là 19 ha giống nho Hồng Nhật, tăng 16,5 ha so với cuối năm 2019). Ngoài ra, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng nhiều hơn.
Đoàn kết, phát huy nội lực
Tuy nhiên, theo Huyện ủy Tuy Phong, kinh tế của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ. Số lượng dự án đăng ký đầu tư tăng nhưng được chấp thuận đầu tư vẫn còn thấp. Công nghiệp phát triển chậm (ngoại trừ ngành năng lượng). Việc triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp của các chủ đầu tư còn rất chậm, tỷ lệ lấp đầy đạt thấp so với yêu cầu. Ô nhiễm môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đồng muối Thông Thuận còn tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, trật tự đô thị có mặt, có nơi còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu…
Thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân huyện sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy nội lực, nỗ lực với quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để xây dựng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển bền vững. Theo đó, sẽ tích cực thu hút đầu tư, tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn huyện. Chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng (ưu tiên năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghiệp hỗ trợ ngành năng lượng, kinh tế biển và thương mại, du lịch gắn với bảo vệ môi trường, đưa kinh tế huyện phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…