Ưu tiên dự án bức xúc
Tuy Phong có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, giáp ranh với 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng; có đường cao tốc, quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam đi qua, có Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Hệ thống giao thông đối ngoại tương đối thuận lợi giúp huyện dễ dàng kết nối với khu vực trung tâm của tỉnh và vùng Đông Nam bộ, là cửa ngõ kết nối của tỉnh với vùng duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, Cảng quốc tế Vĩnh Tân tạo điều kiện tiếp nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu từ các tỉnh Tây Nguyên, thuận lợi phát triển ngành công nghiệp và phát triển dịch vụ Logistics. Với vị trí thuận lợi như trên, huyện có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, việc đầu tư kết cấu hạ tầng của huyện chưa tương xứng, nhất hạ tầng giao thông khu vực 2 xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, nơi chịu sự tác động mạnh mẽ khi Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đi vào hoạt động. Theo địa phương, tình trạng hạ tầng giao thông 2 xã này thiếu và xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, do đó UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh cần tạo điều kiện khắc phục, đầu tư cho 2 địa phương này, sớm hình thành đô thị Vĩnh Tân theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí vốn đầu tư công để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội 2 xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân. Giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã bố trí vốn thực hiện các dự án: Cấp nước cho Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (10 tỷ đồng); nâng cấp đường giao thông từ quốc lộ 1A đi cầu Hầm Đá và xóm 7, xã Vĩnh Tân (15 tỷ đồng); kênh tưới xã Vĩnh Tân (2,15 tỷ đồng); kè bảo vệ thôn Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân (195 tỷ đồng); đường vào xóm 1C, xã Vĩnh Hảo (20,11 tỷ đồng); đường giao thông từ QL1A đến khu dân cư xóm 3, xã Vĩnh Hảo (4,27 tỷ đồng); đường và cầu liên xã Vĩnh Hảo - Vĩnh Tân (từ xóm 8 xã Vĩnh Hảo đến Khu dân cư Động Từ Bi xã Vĩnh Tân (15 tỷ đồng). Nói chung đã cơ bản khắc phục tình trạng hạ tầng xuống cấp trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Tuy Phong ưu tiên bố trí vốn đầu tư hạ tầng trên địa bàn 2 xã này, nhất là các dự án bức xúc, phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách tỉnh.
Tranh thủ nguồn vốn Trung ương
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và bố trí vốn ngân sách tỉnh để đầu tư tuyến đường đại lộ Đông Tây, thị trấn Phan Rí Cửa theo quy hoạch được duyệt. Lãnh đạo UBND huyện cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã rà soát, nghiên cứu các quy định pháp luật về kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Tuy nhiên việc thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT gặp nhiều khó khăn, khả năng thực hiện không cao.
Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, ngày 3/3/2023, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương đầu tư dự án giao thông quan trọng kết nối liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có dự án tuyến đường đại lộ Đông Tây - đường trục ven biển đoạn Phan Rí Cửa - Bình Thạnh. Dự án này có chiều dài khoảng 16,5 km, mặt cắt ngang đường rộng 50 m, 4 làn xe, dự phòng quỹ đất ở dải phân cách giữa để mở rộng mặt đường trong tương lai với tổng mức đầu tư khoảng 1.420 tỷ đồng. Đây là dự án kết nối có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn Phan Rí Cửa nói riêng và của huyện Tuy Phong nói chung. Không chỉ vậy, UBND huyện Tuy Phong còn kiến nghị UBND tỉnh sớm đầu tư các dự án bức xúc, cấp thiết khác mà cử tri kiến nghị trong nhiều năm qua, nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân.
Khi kết cấu hạ tầng của huyện được phát triển đồng bộ, sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của huyện, cũng như góp phần cải thiện môi trường, chất lượng sống của người dân nơi đây.