Quyết tâm thực hiện 3 trụ cột

26/04/2023, 05:17

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của tỉnh, cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực. Đây sẽ là căn cứ để các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.

Xác định 3 trụ cột

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp thu các quan điểm của Nghị quyết 26-NQ/TW, Bình Thuận đã xác định mục tiêu phát triển toàn diện, năng động, có hệ sinh thái phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong đó, tỉnh tập trung trọng tâm vào phát triển 3 trụ cột. Đó là, công nghiệp, nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên ngành; dịch vụ, tập trung phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí; thể thao; du lịch nông nghiệp, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ; dịch vụ logistics. Và trụ cột thứ 3 là nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.

img_7456.jpg.jpg
Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Đ.Hòa

Theo đó, tỉnh cũng đã đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 từ 7,5 - 8%; GRDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2030 đạt 7.800 USD. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân từ 9 - 10%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 36 - 38% so với GRDP trong giai đoạn 2021 - 2030. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ 10 - 25%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 39 - 40%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 0,4 - 0,6%/năm.

Đối với tầm nhìn đến năm 2045, Bình Thuận xác định là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, giữ vai trò là động lực tăng trưởng của tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ; hình thành một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch ven biển, khu kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam tỉnh; có hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng, mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh; khuyến khích phát triển doanh nghiệp và thu hút nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là các ngành kinh tế biển.

Tỉnh cũng đã và đang tích cực tham gia các cụm liên kết ngành ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế. Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu, bảo đảm liên kết vùng, nhất là về giao thông, năng lượng, du lịch.

Về công nghiệp, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng bao gồm cả phát triển công suất nguồn và hệ thống lưới điện đồng bộ, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1, đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của quốc gia, trong đó ưu tiên phát triển điện khí LNG, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi.

Về dịch vụ, Bình Thuận sẽ cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, kết nối, mở rộng thị trường, tiếp cận các thông tin liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa sang các thị trường nước ngoài. Xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; chú trọng liên kết vùng gắn với tiếp tục triển khai các gói kích cầu thúc đẩy thị trường khách du lịch; phấn đấu đến năm 2030, du lịch Bình Thuận với hạt nhân là Khu Du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu Khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối với nông nghiệp, tăng cường đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp hiện đại theo hướng sinh thái, đặc hữu, có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. 

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bình Thuận đã xác định mục tiêu phát triển toàn diện, năng động, có hệ sinh thái phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

NGỌC DIỆP

Related articles
Hội thảo Báo Đảng Miền Trung Tây Nguyên lần thứ 10: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ hàng đầu của Báo Đảng
Chiều 22/4, tại TP Đông Hà, báo Quảng Trị đăng cai tổ chức Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ 10 (vòng 4) với chủ đề "Báo Đảng với việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới". Tham dự Hội thảo có nhà báo Đinh Như Hoan- Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân; nhà báo Phan Thị Quỳnh Mai- Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên Giáo Trung ương; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và gần 400 đại biểu của 42 đoàn Báo Đảng địa phương trong cả nước.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết tâm thực hiện 3 trụ cột