Các vùng nuôi thủy sản lồng bè: Cần chủ động phòng chống dịch bệnh và thiên tai

01/01/2019, 08:53

BT- Nuôi thủy sản lồng bè trên biển vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động bởi các yếu tố bất thường, khó kiểm soát về môi trường, thiên tai, dịch bệnh nên dễ gây ra thiệt hại lớn.

                
Cá lồng bè bị chết tại Vĩnh Tân - Tuy    Phong.

 Nhiều rủi ro

Phú Quý là một trong những điển hình phát triển nuôi cá lồng bè trên biển. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay đã xảy ra 3 đợt thiệt hại lớn, trong đó 2 đợt cá chết hàng loạt do thời tiết nắng nóng. Hiện tượng “tảo nở hoa” phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước, 1 đợt bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão và gió mùa Đông Bắc. Riêng tại khu vực nuôi cá lồng bè xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, các năm 2015, 2016 đã xảy ra 4 đợt cá chết hàng loạt, năm 2018 xảy ra 2 đợt cá chết, chưa xác định được nguyên nhân.

Mặc dù vậy, nhiều năm qua, một số hộ dân đã tận dụng một vài khu vực ven biển, đảo có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản lồng bè gồm nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá bớp, cá chim, cá hồng, tôm hùm… Nhưng theo ngành nông nghiệp tỉnh, hầu hết các khu vực biển nuôi lồng bè hiện nay đều thuộc vùng biển hở, bãi ngang nên khi có sóng to, gió lớn, áp thấp nhiệt đới, bão thường gây thiệt hại cho người nuôi. Mặt khác, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển đã và đang đầu tư nhiều công trình hạ tầng và ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp hình thành, nguồn xả thải khá lớn, không an toàn cho các vùng nuôi lồng bè gần bờ.

 Chủ động phòng tránh

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương phối hợp các ngành chức năng, các địa phương vùng biển khảo sát, đánh giá điều kiện nuôi của các khu vực nuôi cá lồng bè trên biển. Đặc biệt chú ý vùng nuôi ven biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong và những khu vực nuôi có nguy cơ rủi ro cao để cảnh báo. Khuyến cáo di dời lồng bè đến các vị trí mới phù hợp, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn trong quá trình nuôi. Mặt khác, thành lập tổ phản ứng nhanh tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản để phối hợp các địa phương, đơn vị chuyên ngành triển khai giám sát tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời các tình huống bất thường, nhất là các vùng nuôi cá lồng bè trên biển. Các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về nuôi trồng thuỷ sản; tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi. Khuyến cáo các biện pháp kỹ thuật quản lý, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, xử lý các yếu tố bất thường trong quá trình nuôi thủy sản lồng bè; phổ biến, hướng dẫn ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản lồng bè trên biển. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất, nhất là hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp vùng ven biển theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Trung Lương


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các vùng nuôi thủy sản lồng bè: Cần chủ động phòng chống dịch bệnh và thiên tai