Thúc đẩy công nghiệp kết nối nông nghiệp

29/03/2023, 05:02

Cũng vì bị “kẹt” giữa vùng thuần nông trong một thời gian dài, cộng thêm chưa thuận lợi lắm trong hạ tầng nên việc thu hút đầu tư của 4 cụm công nghiệp (CCN) chưa nổi bật. Nhưng bây giờ đã thấy, các CCN này đều được quy hoạch ở những vùng có triển vọng theo thời gian.

Như là nương tựa

Công nghiệp – thương mại, dịch vụ - nông nghiệp, cơ cấu kinh tế này đạt được với nơi khác là không bất ngờ nhưng với Bắc Bình, vùng thuần nông có tiếng với lắm khó khăn về khí hậu khô hạn là một cuộc chuyển dịch xứng đáng với 2 từ: Ngoạn mục. Lùi về thời điểm đầu tái lập huyện, ngành công nghiệp ở đây hầu như chưa có hoạt động gì. Duy chỉ những sản phẩm của tiểu thủ công nghiệp với xay xát lương thực, nước đá, nông cụ cầm tay, mộc dân dụng, gạch viên...sản xuất hàng năm mang lại giá trị nhỏ, như năm 1983 chỉ được 2,15 triệu đồng. 20 năm sau, tức năm 2003, sản phẩm được sản xuất đã nghiên qua bên công nghiệp hơn với khai thác đá; chế biến thực phẩm và đồ uống; trang phục; sản phẩm gỗ và lâm sản; các sản phẩm từ kim loại; mộc dân dụng; sản xuất và phân phối điện, gas, tạo giá trị đạt 47,669 tỷ đồng, tăng đến 1.217%. 7 năm tiếp theo, Bắc Bình vào năm 2010 với giá trị sản xuất công nghiệp được 272,268 tỷ đồng. Kết quả này tạo đà phát triển cho những năm sau đó, trong thu hút các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, trong quyết định cho sự đậm nét lên của công nghiệp Bắc Bình, khi trên địa bàn có và chịu ảnh hưởng từ 2 nhà máy thủy điện liên quan đến điều tiết nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.

dscn2154.jpg
Thủy điện Đại Ninh 
p1050048.jpg
Hồ thủy điện Bắc Bình

Đã nhiều năm qua, thủy điện Bắc Bình nằm trên địa bàn và thủy điện Đại Ninh, dù đóng ở Đức Trọng (Lâm Đồng) nhưng lượng nước sau thủy điện đổ về hạ du là Bắc Bình nên cả hai quyết định nguồn nước dồn về hồ Cà Giây, để vùng chuyên canh lúa rộng gần 12.000 ha của mỗi vụ này có mùa bội thu. Đó được xem là sự phát triển công nghiệp điện đầu tiên có sự kết nối với nông nghiệp. Tiếp đó, khi 9 dự án điện mặt trời và 3 dự án điện gió xuất hiện, tập trung trên gần 850 ha đất khô hạn, sỏi đá, đã tạo ra hiệu quả trong sử dụng đất lẫn kích thích trong sản xuất nông nghiệp ở đây. Không chỉ thế, tổng doanh thu tăng dần theo năm như năm 2022, điện mặt trời thu về 2.094 tỷ đồng, điện gió hơn 638,3 tỷ đồng đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.500 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 4.220 tỷ đồng. Đồng thời đó cũng quyết định tăng thu ngân sách cho huyện ở trạng thái đột phá, như năm 2022 thu về 442,145 tỷ đồng, trong khi năm 2013 là 98,890 tỷ đồng, còn năm 2003 là 14,318 tỷ đồng.

lan_5046.jpg
Điện gió Hòa Thấng
c0031t01.jpg
Điện mặt trời

Ở diễn biến khác, cũng ghi nhận trong hành trình trên có sự góp phần lớn của các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau nhưng phần lớn sản phẩm sản xuất ra đều xoay quanh phục vụ nhu cầu vùng nông nghiệp. Hiện Bắc Bình có 209 doanh nghiệp, doanh thu bình quân 1.273 tỷ đồng/năm, số thuế đã nộp ngân sách bình quân 138,9 tỷ đồng/năm. Còn hộ kinh doanh cá thể 1.106 hộ, doanh thu bình quân 446 tỷ đồng/năm; số thuế đã nộp ngân sách bình quân 10,71 tỷ đồng/năm. Không chỉ thế, chính lực lượng kinh doanh ấy đã tạo động lực cho chính quyền Bắc Bình nỗ lực hình thành 4 CCN từ rất sớm. Và cũng vì bị “kẹt” giữa vùng thuần nông trong một thời gian dài, cộng thêm chưa thuận lợi lắm trong hạ tầng nên việc thu hút đầu tư chưa nổi bật. Hiện 4 CCN đều đang thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng và dự án đầu tư thứ cấp. Điều đáng nói, các CCN này đều được quy hoạch ở những vùng mà theo thời gian đã mở ra những triển vọng và hiện tại có thể hình dung rõ.

Kế hoạch “lót ổ đại bàng”

Để mở rộng các CCN này, trước đó UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh phương án phát triển các CCN từ 122 ha lên 282 ha. Đó là lý do CCN Sông Bình nằm ven QL 28B, tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh cao nguyên đổ về đồng bằng mà điểm đầu tiên là Bắc Bình, đã hình thành 2 cụm, gồm CCN Sông Bình 1 rộng 65 ha và CCN Sông Bình 2 rộng 63 ha. Trong khi đó, CCN Hải Ninh, bây giờ đang nằm rất gần nút giao liên thông giữa cao tốc với QL 1A, nên đã xóa điểm bất lợi về hạ tầng trước đây, đồng thời cũng được mở rộng và tách ra thành CCN Hải Ninh 1 rộng 63 ha và CCN Hải Ninh 2 rộng 65 ha. Qua đó, ai cũng thấy mục đích của không chỉ chính quyền Bắc Bình là muốn thu hút những nhà đầu tư lớn vào các CCN này. Tương tự như Khu công nghiệp chế biến sâu titan xã Sông Bình cũng nằm ven QL 28B có diện tích 300 ha trong kế hoạch dài hơi về “lót ổ đón đại bàng” trong thời gian tới.

dsc_1605.jpg

Đó cũng là lý do giữa năm ngoái, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận có công văn về việc rà soát, bổ sung tọa độ vị trí, hiện trạng sử dụng đất, ngành nghề các cụm công nghiệp đề xuất vào phương án phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030. Trong đó, Sở Công Thương đề nghị UBND huyện Bắc Bình bổ sung thông tin ngành nghề dự kiến hoạt động đối với 4 cụm công nghiệp xin bổ sung mới, với tổng diện tích 256ha. Có một sự liên kết giữa các cụm này một cách có chủ đích là giữa CCN Hải Ninh 1 và CCN Sông Bình 2 có cùng ngành nghề thu hút đầu tư. Cụ thể, là may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất nước đá, sản xuất nước uống đóng chai; chế biến thực phẩm, chế biến sản phẩm, nước uống từ củ, quả (thanh long, cam, quýt…); sản phẩm bao bì…Tương tự, CCN Hải Ninh 2 và CCN Sông Bình 1 cũng có cùng ngành nghề thu hút đầu tư khác. Đó là chế biến nông sản; sản xuất sản phẩm từ gỗ; chế biến thức ăn gia súc; dịch vụ cơ khí hàn tiện; sản xuất bao bì; sản xuất vật liệu xây dựng; giết mổ và chế biến sản phẩm từ gia súc, gia cầm…

Nhưng có điều đặc biệt, cả 4 CCN trên đều có chung ngành nghề cần ưu tiên thu hút là chế biến bảo quản, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, được nhấn mạnh nhất là lúa. Cũng dễ hiểu bởi Bắc Bình là vùng chuyên canh lúa bền vững lâu nay, khi theo thời gian diện tích lúa tăng chứ không giảm, bất chấp giá biến động. Sức hút ấy đến từ các cuộc thay đổi giống lúa mới có hiệu quả kinh tế cao, từ những liên kết sản xuất… và từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh là chế biến cây trái, khi Bắc Bình cũng là 1 vùng rộng lớn sản xuất cây ăn trái đa dạng. Vì vậy, đốc thúc phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp là hướng đi chính thích hợp của Bắc Bình, bên cạnh chế biến khoáng sản, năng lượng đang hình thành.

Ông Mai Văn Vụ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, mục tiêu chung của huyện là phát triển công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế, để tạo động lực quan trọng thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các phòng ban liên quan, dựa vào nhiệm vụ có kế hoạch cụ thể để phối hợp chặt chẽ với các sở ngành làm tốt công tác thu hút những nhà đầu tư thực sự có kinh nghiệm, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, năng lượng, khai thác - chế biến sa khoáng titan; phối hợp với sở ngành hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất để đẩy nhanh tiến độ triển khai và thu hút các dự án đầu tư theo hướng gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

BÍCH NGHĨA - ẢNH: N. LÂN

Related articles
Cán bộ Mặt trận người Chăm tận tụy vì người dân
Ông Xích Kháng (SN 1961), dân tộc Chăm, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình là một người tận tụy, gương mẫu, nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc. Nhiều năm qua, ông đã có nhiều đóng góp trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được nhân dân quý trọng, tin tưởng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy công nghiệp kết nối nông nghiệp