Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới

21/03/2023, 05:04

Sau đúng 1 năm mở cửa du lịch trở lại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch năm 2023, với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển”.

hoinghitoanquocvedulichj.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Toàn quốc về du lịch năm 2023. Ảnh: IT

Như chúng ta đã biết, trong 2 năm 2020 - 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid- 19, nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện cao nhất thế giới. Riêng năm 2022, đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19 với quyết định thời điểm “mở cửa” du lịch sớm hơn so với các nước trong khu vực. Theo đó khách du lịch quốc tế năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Lượng khách du lịch nội địa đạt 101 triệu lượt, tăng hơn 1,5 lần so mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Tổng thu từ du lịch ước đạt 495 ngàn tỷ đồng, vượt trên 23% so kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so năm 2019. Phải khẳng định rằng, sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường du lịch nội địa sau dịch Covid-19 là một điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu. Các địa phương trong cụm điểm đến đã liên kết, ký kết các chương trình hành động và thực hiện việc quảng bá, giới thiệu, khai thác tốt thị trường nội địa, thị trường quốc tế. Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, chất lượng dịch vụ du lịch tiếp tục nâng lên, các dịch vụ vui chơi giải trí như lướt ván buồm, lướt ván diều, mô tô nước, mô tô vượt địa hình... ngày càng có bước phát triển, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Đồng thời, các cơ sở lưu trú không ngừng phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng. Đặc biệt, Bình Thuận đã tận dụng những lợi thế về nắng, gió, đồi cát, bãi biển đẹp, nền văn hóa đa dạng, nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống để phát triển thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn và nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch Bình Thuận gắn với các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng của mình. Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, đưa tỉnh trở thành một điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của du khách. Điều mà ai cũng nhận thấy đó là, trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (năm 2020 – 2021), số lượng du khách, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành giảm sâu khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự trong mùa dịch.

Nhưng bước sang năm 2022, du lịch Bình Thuận đã có nhiều khởi sắc hơn trước. Theo đó, năm 2022 Bình Thuận đón trên 5,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,2 lần so cùng kỳ năm trước, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 13.680 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so cùng kỳ năm trước. Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, địa phương phải biết tận dụng hết những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng. UBND các tỉnh, thành phố phải tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật. Tập trung xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin… Trong giai đoạn mới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh - Điểm đến an toàn, thân thiện”. Qua đó thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

THANH QUANG

Related articles
Sổ tay: Thu hút du lịch, nhìn từ tỉnh bạn!
1. Dịp này, từng dòng xe, dòng người vẫn nườm nượp đi du lịch khắp các tỉnh, thành trong dịp cuối tuần, trong đó cao nguyên Đà Lạt. Được mệnh danh là tỉnh có nhiều cảnh đẹp và khí hậu trong lành, Lâm Đồng lâu nay là địa phương đang thu hút lượng khách rất lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới