Đám cháy kéo dài gần 1 tiếng và chỉ ngừng cháy khi lực lượng cứu hỏa phun nước dập tắt. Toàn bộ cây xanh vừa được thành phố trồng với mục đích tạo cảnh quan, phủ thêm xanh bìa rừng ngập mặn trên đường Tôn Thất Tùng, phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết bị chết cháy.
Đối tượng đốt cháy chưa xác định, bởi khu vực vắng vẻ, có nhiều rác thải do một bộ phận người thiếu ý thức lén lút mang đến đổ. Người dân sống gần khu vực cho biết, trước khi vụ cháy xảy ra cứ thấy một cặp vợ chồng đến khu vực và vào trong rừng ngập mặn làm gì không rõ. Sau vụ cháy, vẫn còn thấy tình trạng đốt rác ở đây, và thỉnh thoảng ở khu vực chân cầu Hùng Vương. Nếu cứ tình trạng này không chỉ cây trồng dọc tuyến đường bị cháy mà còn cả khu rừng ngập mặn quý hiếm có nguy cơ do thời tiết hanh khô, gió lớn.
Đây là vụ cháy thiệt hại cây xanh lớn nhất, sau đó là các vụ cháy ở khu vực ven đường Lê Đại Hành, Gia Tú và ở nhiều nơi khác trong thời gian qua. Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận, nơi thực hiện việc chăm sóc bảo dưỡng cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố theo hợp đồng dịch vụ công ích với UBND thành phố cho biết, thời gian qua, thời tiết khô hạn, nắng nóng, gió lớn, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ cháy do hoạt động đốt rác của người dân và UBND các phường, xã tổng dọn vệ sinh địa bàn. Cụ thể, trên các tuyến đường Âu Cơ, Nguyễn Thị Định, Huỳnh Văn Nghệ và xung quanh hồ Văn Thánh cháy 21 cây hoa giấy, hoàng yến, chuông vàng, sò đo cam, dầu, giáng hương… Đặc biệt, trên các tuyến đường như Gia Tú, Tôn Thất Tùng, Lê Đại Hành ven rừng ngập mặn cháy 64 cây chuông vàng, trong đó trên đường Tôn Thất Tùng 44 cây. Đa số vụ cháy xảy ra vào buổi trưa, chiều tối hoặc chủ nhật.
Sự việc đã được UBND thành phố chỉ đạo, yêu cầu UBND các phường, xã hạn chế tối đa việc đốt rác trong đô thị, trường hợp có tiêu hủy rác phải phân công cá nhân phụ trách quản lý việc đốt, không để lửa cháy lan ra xung quanh gây mất an toàn trong phòng cháy - chữa cháy. Trích xuất camera trên các tuyến đường có cây bị cháy theo báo cáo của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị để làm rõ trách nhiệm. “Trường hợp cây xanh bị ảnh hưởng do việc đốt rác, không thể phục hồi, UBND phường, xã liên quan phải có kế hoạch trồng mới với chủng loại, kích thước cây tương tự đã chết”, UBND thành phố yêu cầu.
Hệ thống cây xanh giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sống, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan tại khu vực đô thị. Nhận thức được tầm quan trọng ấy, thời gian qua UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm việc thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ đất cây xanh, về diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Là đô thị trung tâm của tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh xanh, sạch đẹp phát triển bền vững, TP. Phan Thiết luôn ưu tiên vốn đầu tư thực hiện việc cải tạo, xây mới các công viên, vườn hoa, trồng bổ sung cây xanh trên các tuyến đường. Ngoài quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị theo từng giai đoạn, công tác phát triển cây xanh còn được lồng ghép trong các đồ án quy hoạch xây dựng, đồ án quy hoạch chỉnh trang đô thị và các dự án đầu tư xây dựng. Chính vì vậy, các tổ chức, cá nhân cần chung tay đóng góp bảo vệ cây xanh, không đổ, đốt rác trên dải cây xanh ảnh hưởng đến sự sống của cây, kìm hãm sự phát triển chung của thành phố.
Tiếp tục thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Phan Thiết ban hành kế hoạch thực hiện trồng cây xanh năm 2023. Phấn đấu trồng khoảng 245.000 cây xanh phân tán cả khu vực đô thị và nông thôn; trong đó khu vực đô thị khoảng 125.000 cây, khu vực nông thôn 120.000 cây.