Xuất khẩu dược liệu sang Trung Quốc siết chặt theo quy định mới

13/02/2023, 05:59

Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận vừa đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) khẩn trương rà soát các vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị tốt cho việc đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu dược liệu sang Trung Quốc về các quy định mới.

Siết chặt kiểm dịch

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận được thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc rà soát lại hệ thống giám sát đối với các loại dược liệu xuất khẩu và thực hiện việc đăng ký cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và bảo quản dược liệu xuất khẩu sang Trung Quốc. Mục đích nhằm tăng cường giám sát, quản lý, kiểm dịch dược liệu xuất nhập khẩu và đảm bảo an toàn kiểm dịch dược liệu xuất khẩu. Theo đó, Trung Quốc sẽ tiến hành rà soát lại hệ thống giám sát đối với các loại dược liệu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, thực hiện việc đăng ký cho các đơn vị sản xuất, chế biến và lưu trữ dược liệu xuất khẩu sang Trung Quốc.

z4102716005467_e54e493b6d53e02f96b6cb02e8415882-1-.jpg
Nấm linh chi tự nhiên tại Hàm Thuận Nam.

Cụ thể, phía nước bạn sẽ kiểm tra bằng văn bản hệ thống quy định pháp luật và tiêu chuẩn, hệ thống đăng ký và giám sát doanh nghiệp, hệ thống chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ thực hiện quản lý việc đăng ký của các doanh nghiệp sản xuất dược liệu ở nước ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc, danh sách phải được cơ quan có thẩm quyền chính thức của Việt Nam đề xuất với Tổng cục Hải quan Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phía Trung Quốc sẽ xử lý việc đăng ký theo quy định.

Dược liệu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cần đầy đủ thông tin sản phẩm, tổng quan về sản xuất và thương mại dược liệu tại địa phương. Đồng thời, phải có bản đồ phân bố vùng sản xuất dược liệu xuất khẩu của tỉnh, thông tin về cơ quan chuyên môn phụ trách về quản lý dược liệu tại địa phương... Đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói, cần nêu rõ tổng quan về sản xuất thương mại dược liệu của vùng trồng cơ sở đóng gói; quy trình sản xuất và chế biến dược liệu xuất khẩu sang Trung Quốc…

Bình Thuận triển khai rà soát

Trước những quy định mới này, về phía Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đang triển khai rà soát để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc. Trước mắt, để không làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang thị trường này, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV khẩn trương rà soát các vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị tốt cho việc đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu dược liệu sang Trung Quốc về các quy định mới. Song song hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ về vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ngoài các hồ sơ theo hướng dẫn, Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn các vùng trồng, các cơ sở đóng gói cung cấp thêm các thông tin theo yêu cầu của Trung Quốc.

z4102745414176_fe2d6637dffa4c98bbb38ac24ab31ba8.jpg
Cây khoai mài tự nhiên tại Bắc Bình.

Tiếp nhận hồ sơ của các vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm tra đánh giá các hồ sơ này theo đề nghị của vùng trồng, cơ sở đóng gói… Riêng UBND các địa phương cần rà soát thông tin quản lý đối với dược liệu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Mặt khác, khẩn trương rà soát các vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu tại địa phương mình quản lý để chuẩn bị tốt cho việc đăng ký xuất khẩu dược liệu sang thị trường này. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký xuất khẩu dược liệu sang Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ về vùng trồng và cơ sở đóng gói. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng cho biết, Bình Thuận hiện có diện tích rừng tự nhiên lớn, khí hậu, đất đai thuận lợi, thích hợp để trồng nhiều loài cây dược liệu có giá trị đặc trưng tại một số khu vực trong tỉnh.

Trong đó có các loài giá trị như nấm linh chi, sâm bố chính, củ mài, đinh lăng… Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Qua đó, nhằm thống kê các loài dược liệu, đưa ra quan điểm, mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển bền vững.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, danh mục dược liệu xuất khẩu phải đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: Đại hồi, tiêu lốt, cau, đậu đỏ, đinh hương, thảo quả, nhân quả óc chó - quả óc chó đã bóc vỏ khô; mè đen, hồ tiêu, hoàng đằng, gừng, củ nghệ, kim tiền thảo, ớt khô, sen, nấm linh chi, nhãn, quế, khoai mài (củ mài); trầm hương tươi hoặc khô; hạt đười ươi, phục linh, hòe hoa, thạch hộc tươi hoặc khô, hoàng liên, hoa cúc tươi hoặc khô, thanh hao, hạnh nhân đắng, ý dĩ.

K. HẰNG

Related articles
Rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi (Hàm Thuận Bắc): Nên có sự điều tra cây dược liệu 
BT- Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lớn về cây dược liệu và người Việt cũng rất giỏi trong việc sử dụng dược liệu để trị bệnh. Mới đây, trong dự thảo Nghị định Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu trình Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đến năm 2016 đã ghi nhận 5.117 loài và dưới loài thực vật, trong đó có nhiều loài dược liệu bản địa và nhập nội quý cả về công dụng chữa bệnh và giá trị kinh tế đã được phổ biến rộng trong sản xuất. Từ nguồn tài nguyên dược liệu này, nhiều loài cây thuốc được sử dụng để chiết tách các hoạt chất làm thuốc như: Rutin từ hoa hòe; Berberin từ vàng đắng; Artemisinin từ thanh hao hoa vàng và Methol và tinh dầu từ bạc hà… Từ các dược liệu này đã sản xuất nhiều loại thuốc có giá trị chữa bệnh như: Bidentin từ ngưu tất; Morantin từ mướp đắng; Abilin từ nhân trần; Kim tiền thảo từ kim tiền thảo”… 

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu dược liệu sang Trung Quốc siết chặt theo quy định mới