Rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi (Hàm Thuận Bắc): Nên có sự điều tra cây dược liệu 

10/11/2017, 08:36

BT- Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lớn về cây dược liệu và người Việt cũng rất giỏi trong việc sử dụng dược liệu để trị bệnh. Mới đây, trong dự thảo Nghị định Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu trình Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đến năm 2016 đã ghi nhận 5.117 loài và dưới loài thực vật, trong đó có nhiều loài dược liệu bản địa và nhập nội quý cả về công dụng chữa bệnh và giá trị kinh tế đã được phổ biến rộng trong sản xuất. Từ nguồn tài nguyên dược liệu này, nhiều loài cây thuốc được sử dụng để chiết tách các hoạt chất làm thuốc như: Rutin từ hoa hòe; Berberin từ vàng đắng; Artemisinin từ thanh hao hoa vàng và Methol và tinh dầu từ bạc hà… Từ các dược liệu này đã sản xuất nhiều loại thuốc có giá trị chữa bệnh như: Bidentin từ ngưu tất; Morantin từ mướp đắng; Abilin từ nhân trần; Kim tiền thảo từ kim tiền thảo”… 

                
   Cây chùm ngây chứa nồng độ polyphenol    trong lá và hoa giúp bảo vệ gan.

Dự thảo nghị định trên cũng đề cập nhiều đến việc khai thác, nuôi trồng dược liệu ở các địa phương bởi nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước rất cao, ước tính từ 60.000 - 80.000 tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng từ nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta mới đáp ứng được khoảng 30%, lượng còn lại chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tình hình trên, gợi ý cho Bình Thuận trong hướng đi là khai thác và nuôi trồng cây dược liệu, bởi rừng Bình Thuận vốn rất  giàu cây dược liệu. Đơn cử, chỉ riêng Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú có 160 loài cây thuốc  thường dùng trong tổng số 300 loài có thể dùng làm dược liệu… Đó là, sa nhân, xuyên tâm liên, hoàng đằng, thạch hộc, huyết giác, cốt toái bổ, thiên niên kiện, ngũ gia bì, bạch hoa xà, thần xạ... Trong đó, cốt toái bổ trị đau lưng, sai khớp, viêm họng, răng đau; huyết giác chữa ứ huyết, bị thương; đỗ trọng chữa hạ huyết áp; bạch hoa xà chữa bệnh ngoài da... Nhìn rộng ra, Bình Thuận còn một khu vực khả năng giàu cây dược liệu là rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi, bởi  đây là vùng rừng giáp với Tây nguyên, được  xác định là “kho” dược liệu của đất nước.  Thực tế vậy, nhiều lần lên Đa Mi, bằng nhiều hướng, chúng tôi tận mắt chứng kiến đồng bào dân tộc ở xã La Ngâu (Tánh Linh), La Dạ, Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) vào rừng Hàm Thuận - Đa Mi khai thác cây bình vôi, hà thủ ô, thiên niên kiện, mật nhân, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo, kim ngân, diệp hạ châu, chùm ngây… bán cho thương nhân vùng xuôi, hoặc cho các điểm thu mua đặt tại địa phương. Bằng cách này, nhiều đồng bào tăng thu nhập, nhất là những tháng mùa nắng. Nhiều cửa hàng nhỏ vừa kinh doanh các loại vừa mua bán dược liệu xuất hiện ở chợ thôn Đaguri (xã Đa Mi), ở xã La Ngâu là vậy! Mới đây, nhân tìm hiểu về cây dược liệu, chúng tôi trò chuyện với Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi Ngô Công Thanh,  và anh cho biết: Hiện Ban quản lý 19.171 ha rừng, gồm 4.942 ha rừng sản xuất và 14.229 ha rừng phòng hộ. Khả năng rừng phòng hộ rất giàu cây dược liệu, nhưng đến nay chưa có cuộc điều tra chính thức nào”.

Vậy nên  điều tra cây dược liệu ở rừng phòng hộ Hàm Thuận- Đa Mi là thực sự cần.

Thanh Tú


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi (Hàm Thuận Bắc): Nên có sự điều tra cây dược liệu