Thuốc điều trị Covid-19 từ dược liệu Việt Nam đầu tiên được cấp phép thử nghiệm lâm sàng

10/08/2021, 14:49

Theo PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Việt Hàn lâm KH&CN Việt Nam, VIPDERVIR cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để có thể đánh giá hiệu quả điều trị Covid-19 trước khi sử dụng.

Kết quả nghiên cứu thuốc ức chế virus SARS-CoV-2 với mục tiêu sử dụng để điều trị Covid-19 đã được Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam công bố tại cuộc họp báo trực tuyến sáng 10/8.

Họp báo trực tuyến công bố Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 VIPDERVIR

Đây là đề tài nghiên cứu do PGS.TS Lê Quang Huấn và cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học thực hiện. Mục tiêu của nghiên cứu tạo ra thuốc từ thảo dược Việt Nam để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh do virus RNA gây ra, đặc biệt virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.

Theo Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội đồng đạo đức - Bộ Y tế đã thống nhất phê duyệt đề cương nghiên cứu lâm sàng thuốc từ dược liệu Việt Nam trên bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương của nhóm nghiên cứu Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam do PGS.TS. Lê Quang Huấn chủ trì.

Hiện thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược với tên gọi VIPDERVIR đã được nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình tạo viên nén trên cơ sở các thảo dược Việt Nam (đáp ứng tiêu chuẩn Dược điển), đảm bảo khả năng sản xuất kịp thời phục vụ công tác phòng chống Covid-19 hiện nay.

Theo PGS.TS Lê Quang Huấn, nghiên cứu này kế thừa các nghiên cứu của Viện Hàn lâm, các tài liệu y văn kết hợp với công nghệ hiện đại tin sinh học (phần mềm AutoDock), nhóm nghiên cứu đã sàng lọc các hoạt chất chính và xác định tạo được tổ hợp trong các thảo dược có ái lực liên kết mạnh với các đích phân tử liên quan tới quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2 nhằm bào chế được thuốc từ dược liệu.

PGS.TS Lê Quang Huấn (bên phải) và cộng sự (Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Thuốc VIPDERVIR có nguồn gốc hoàn toàn từ các dược liệu tại Việt Nam. “Chúng tôi phải lựa chọn thuốc có nguồn gốc dược liệu hoạt tính mạnh nhưng dồi dào ở Việt Nam. Nếu sử dụng dược liệu có hoạt tính mạnh nhưng khan hiếm thì sẽ khó thực hiện sản xuất đại trà”, PGS.TS Lê Quang Huấn chia sẻ.

Thuốc VIPDERVIR đã được đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và bộ môn dược lý tại ĐH Y Hà Nội, đánh giá khả năng ức chế virus H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và tăng cường miễn dịch tại bộ môn dược lý, ĐH Y Hà Nội.

Thuốc VIPDERVIR đồng thời được nghiên cứu bào chế, sản xuất thử nghiệm và đánh giá độ ổn định tại Công ty cổ phần Hóa dược Việt Nam.

Kết quả tiền lâm sàng đã chứng minh thuốc VIPDERVIR an toàn và có tác dụng ức chế phát triển virus H5N1 và virus SARS-CoV-2, thuốc có tác dụng tăng cường miễn dịch khi thử nghiệm trên động vật.

VIPDERVIR đã được nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình tạo viên nén trên cơ sở các thảo dược Việt Nam (Ảnh: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Theo PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Việt Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đây là thuốc điều trị Covid-19 từ dược liệu Việt Nam đầu tiên được cấp phép thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. VIPDERVIR cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để có thể đánh giá hiệu quả điều trị Covid-19 trước khi sử dụng đại trà.

“Chúng tôi rất mong muốn làm thế nào rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng để có thể thuốc sớm được đưa vào sử dụng trong điều kiện đặc biệt của đại dịch hiện nay”, PGS.TS Chu Hoàng Hà bày tỏ.

Cùng với thuốc điều trị VIPDERVIR, trước đó, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.

Favipiravir là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir nhưng được sử dụng ở đường uống và lần đầu tiên được sử dụng chống SARS-CoV-2 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Italia, Nhật Bản, Nga và một số nước khác.

Vân Anh/VOV


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuốc điều trị Covid-19 từ dược liệu Việt Nam đầu tiên được cấp phép thử nghiệm lâm sàng