Nhận thức được tầm quan trọng này, tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp thiết thực, toàn diện để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập.
1 trong 3 khâu đột phá
Bình Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, tỉnh đã tận dụng những lợi thế về nắng, gió, đồi cát thơ mộng, bãi biển đẹp, nền văn hóa đa dạng… để xây dựng thương hiệu du lịch gắn với các sự kiện quốc tế mang đặc trưng riêng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đặt ra mục tiêu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, điều quan trọng là tỉnh phải có đội ngũ nhân lực có chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực.
Tại Nghị quyết Đại hội XIV của tỉnh đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá, đó là: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân”. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo nhằm đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững. Mặt khác, Nghị quyết số 06 ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp đồng bộ về phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch, tỉnh đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Thực tế cho thấy trong thời gian qua, các sở ngành, đơn vị, các cơ sở đào tạo tích cực bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu về trình độ, tay nghề cho các doanh nghiệp làm du lịch. Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lao động trong toàn ngành du lịch ở tỉnh hiện có khoảng 22.300 người. 5 năm gần đây, sở đã tổ chức hơn 40 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch với số lượng trên 3.000 học viên; Hiệp hội Du lịch phối hợp tổ chức 58 lớp bồi dưỡng với 2.641 học viên. Ngoài ra cùng ký kết hợp tác phát triển du lịch liên vùng với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2019 - 2024, hỗ trợ Trường Cao đẳng Du lịch Lâm Đồng kết nối 12 cơ sở du lịch để ký hợp tác đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, tham quan, khảo sát và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 16/26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo các ngành nghề du lịch. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh đã chủ động tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ với số lượng khá lớn, cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh sát với tình hình thực tế. Qua đó đã đáp ứng nhu cầu về sử dụng nguồn lao động có trình độ, tay nghề của các doanh nghiệp du lịch. Số người được đào tạo có việc làm tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh trên 80%.
“Nền móng” phát triển toàn diện
Để Bình Thuận phát triển xanh, nhanh, bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên tất cả các ngành, các lĩnh vực của tỉnh. Trước hết, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh là công nghiệp, du lịch, nông nghiệp; bao gồm nguồn nhân lực xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của tỉnh.
Quá trình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân. Chú ý đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, sức khỏe thể lực và phẩm chất đạo đức, lối sống, tâm lý xã hội. Đồng thời, có chính sách thu hút, sử dụng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư có trình độ khá, giỏi trở lên, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc ở tỉnh cả trong hệ thống cơ quan nhà nước và ngoài khu vực nhà nước.
Mặt khác, tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực của đơn vị mình, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trên các lĩnh vực; kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước liên kết đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng ngành du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát thực tế về lực lượng lao động phục vụ du lịch để xây dựng kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, thực hiện chính sách miễn, giảm học phí học nghề du lịch đối với lao động khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề đối với lao động trong khu quy hoạch du lịch…
Tin tưởng và kỳ vọng trong tương lai không xa, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạnh, tạo “nền móng” vững chắc để đưa Bình Thuận bứt phá đi lên, phát triển xanh, nhanh, bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh sẽ tạo “nền móng” vững chắc để đưa Bình Thuận phát triển xanh, nhanh, bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.