Câu chuyện đầu xuân: Niềm kỳ vọng mang tên Sơn Mỹ!

05/01/2023, 14:38

1. Quê nghèo phát lộc

Cách đây nửa thế kỷ, trong 2 năm 1972 - 1973, một bộ phận dân cư từ tỉnh Quảng Trị đã di cư đến khu vực Động Đền thuộc quận Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy, nay là xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đây là vùng đất bán sơn địa, là những động đất pha cát trải dài theo QL 55, phía đông giáp biển, phía tây giáp rừng. Đất đai bao phủ rộng khắp nhưng đều bạc màu thiếu nước, không làm ruộng được mà chỉ làm rẫy, trồng khoai lang, khoai mì, đào lộn hột (điều). Đời sống người dân phần lớn dựa vào làm rẫy nên thu nhập bấp bênh, thiếu trước hụt sau, dù người dân Sơn Mỹ một nắng hai sương, chịu thương chịu khó, cần kiệm không ai bằng nhưng vẫn cứ nghèo.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem mô hình Khu công nghiệp Sơn Mỹ I tại lễ khởi công. Ảnh: Đình Hòa

Một thời gian dài, nhắc đến Sơn Mỹ là người dân Hàm Tân thường nghĩ ngay đến một vùng đất nghèo nhưng hiếu học. Cha mẹ, ông bà luôn khuyên con cháu muốn thoát nghèo chỉ duy nhất là con đường học hành. Học trò Sơn Mỹ có tiếng siêng học, học giỏi; rất nhiều người đã đỗ đạt thành tài. Làng quê với sản vật chỉ là khoai lang, khoai sắn đã nuôi rất nhiều người thành kỹ sư, bác sĩ… Nhưng phần lớn những người thành đạt đều làm việc, lập nghiệp ở nơi khác nên quê hương Sơn Mỹ cũng không đổi thay được mấy, vẫn kinh tế nương rẫy là chính.

Vậy mà chỉ vài năm gần đây, từ khi có thông tin quy hoạch Dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ và một số dự án công nghiệp, du lịch, bất động sản của các “ông lớn” IPICO, Becamex… thì vùng quê nghèo Sơn Mỹ từ đất cát trở thành đất vàng. Do làm rẫy nên các gia đình trước nay đều cần diện tích đất nhiều để trồng mì, trồng điều. Nên nhiều gia đình đã khai hoang và sở hữu từ vài hecta đất trở lên là chuyện bình thường. Theo chân các “ông lớn”, là cơn sốt đất đã tràn đến quê nghèo Sơn Mỹ. Các giao dịch bất động sản nở rộ từ đầu làng đến cuối thôn, nhiều gia đình đang cảnh hụt trước thiếu sau bỗng cầm trong tay tiền tỷ. Sơn Mỹ, nhiều gia đình đổi đời nhờ đất. Nhiều ngôi nhà khang trang, trong đó có không ít biệt thự được nhanh chóng cất lên thay cho những căn nhà cấp 4 cũ kỹ trước đây. Quê nghèo phát lộc! Không chỉ nói riêng với một số gia đình khá giả lên nhờ bán đất. Mà nói chung, quê nghèo phát lộc là nhờ có dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ, tương lai người dân Sơn Mỹ sẽ hưởng lợi rất lớn khi các dự án này đi vào hoạt động. Trong đó có việc Sơn Mỹ sẽ thực hiện “ly nông bất ly hương”, con em Sơn Mỹ sẽ có cơ hội làm việc và đổi đời tại các khu công nghiệp này, đó mới là lộc lớn.

2. Kỳ vọng Sơn Mỹ

Việc khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được xem là sự kiện trọng đại về kinh tế của Bình Thuận trong năm 2022. Việc khởi công Khu công nghiệp Sơn Mỹ I là động thái tích cực quan trọng, kích hoạt cho sự khởi động của Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ, tạo niềm kỳ vọng về phát triển kinh tế của Bình Thuận trong tương lai.

Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ (đa ngành) có tổng diện tích 2.377 ha. Trong đó chức năng khu công nghiệp 1.610 ha (gồm Sơn Mỹ I: 1.070 ha và Sơn Mỹ II: 540 ha); Khu đô thị 300 ha; Khu sân golf 182 ha; Khu du lịch 37 ha; Khu cây xanh 199 ha; Quy mô dân số đến năm 2030 là 33.000 người. Khu liên hợp Sơn Mỹ tọa lạc ở vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp với các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia như quốc lộ 1A, quốc lộ 55, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dễ dàng tiếp cận với hạ tầng đường hàng không, đường thủy nội địa và quốc tế; là cửa ngõ liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong đó, Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ I do IPICO làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là một trong những khu công nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường đầu tiên tại Bình Thuận nói riêng và vùng duyên hải Trung bộ nói chung. Với tổng diện tích 1.070 ha, trong đó, nổi bật là hai nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 được xây dựng trên diện tích ước tính 200 ha với tổng công suất 4.500 MW; Kho cảng khí LNG khoảng 100 ha, hơn 430 ha đất dành cho các nhà máy, xí nghiệp. Ngoài ra, KCN Sơn Mỹ I sẽ có phân khu chuyên sản xuất các trang thiết bị phụ trợ phục vụ cho việc phát triển các ngành công nghiệp năng lượng xanh. KCN Sơn Mỹ I đã thu hút sự quan tâm và đồng hành từ các Tập đoàn uy tín hàng đầu như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn AES (Hoa Kỳ), Tập đoàn Électricité De France (Pháp), Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), Tập đoàn Thái Bình Dương, Tập đoàn Kyushu Electric Power (Nhật Bản).

Với quyết tâm của chủ đầu tư IPICO, KCN Sơn Mỹ I phấn đấu hoàn thành việc xây dựng toàn bộ hạ tầng KCN vào năm 2025.

Ngoài ra, liên doanh Tổng Công ty Becamex IDC và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) cũng đang tích cực phối hợp với tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư Dự án KCN Sơn Mỹ 2.

KCN Sơn Mỹ 2 có tổng diện tích 540 ha, dự báo quy mô lao động đến năm 2030 khoảng 19.440 người. Sơn Mỹ 2 sẽ là khu công nghiệp tập trung đa ngành, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng và các ngành khác như điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, chế tạo, lắp ráp, sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng, thực phẩm… Ngoài ra, Becamex cũng sẽ triển khai dự án khu công nghiệp dịch vụ đô thị Becamex VSIP. Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore), có quy mô lên đến 4.984 ha với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD.

Với mục tiêu thu hút các dự án quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD, các KCN Sơn Mỹ I và II được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm phát triển kinh tế của Bình Thuận cũng như các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, nâng cao đời sống cho cộng đồng và tạo ra những tăng trưởng đột phá cho Bình Thuận trong tương lai không xa.

HUỲNH THANH

Related articles
Phú Quý: Trồng dưa hấu năng suất cao nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt
Được sự hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và tài năng trẻ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai xây dựng mô hình “Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trồng dưa hấu năng suất cao” cho anh Đặng Văn Trường tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý.

(1) Comments
Focus
Rural tourism is on the rise
BTO- Last Saturday, I went to Cam Binh Beach (Tan Phuoc commune, La Gi town) at the Anh Chau couple's invitation. This is not the first time I have been to La Gi or Cam Binh Beach, but it has been more than 5 years since I had the chance to return, partly due to COVID-19 and not having any related work. Cam Binh Beach is now very different from previous years because of the scene of bustling tourism.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện đầu xuân: Niềm kỳ vọng mang tên Sơn Mỹ!