Đối với cây trồng này, Hàm Thuận Bắc hiện có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển và chủ yếu tập trung tại 4 xã: Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Đa Mi. Sầu riêng trồng ở các vùng sản xuất nơi đây gồm 3 loại giống Monthong, Ri6, Musaking và có một số diện tích (khoảng 200 ha) được áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước.
Tính riêng trong năm 2021 vừa qua, sản lượng sầu riêng trên địa bàn Hàm Thuận Bắc đạt chừng 2.000 tấn và địa phương không thực hiện việc giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, chỉ có kế hoạch chỉ đạo triển khai sản xuất rải vụ… Đánh giá sơ bộ giá thành và hiệu quả sản xuất cho thấy, chi phí đầu tư sản xuất ước khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, trong khi lợi nhuận đem lại có thể lên đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Dù kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên bên cạnh điều kiện thuận lợi thì cũng có không ít khó khăn trong phát triển cây sầu riêng tại Hàm Thuận Bắc. Như chi phí đầu tư khá cao và kỹ thuật chăm sóc khó, dẫn đến năng suất còn thấp, đồng thời chưa nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Thời gian qua, sầu riêng thu hoạch chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ cho các thương lái tiêu thụ nội địa (chiếm tỷ lệ 70%) và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc (khoảng 30%). Được biết hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc chưa có cơ sở sơ chế, đóng gói, chế biến được cấp mã số phục vụ xuất khẩu…
Để góp phần phát huy lợi thế của cây sầu riêng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đề nghị sở chức năng của tỉnh quan tâm tập huấn nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Mặt khác xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cùng với đó nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân liên quan cũng như duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số…