Chị H. T. L. H. – một giáo viên tại xã Phan Sơn - huyện Bắc Bình không may rơi vào hoàn cảnh như vậy. Những ngày gần đây, chị H. liên tục nhận được điện thoại từ số lạ cho rằng chị H. cấu kết với 1 giáo viên khác trong trường có tên V. T. M. L vay nóng 100 triệu đồng, giờ họ yêu cầu chị H. phải cho biết địa chỉ, số điện thoại của chị L. Khi nhiều lần giải thích chị không vay của ai, cũng không liên quan gì đến chị L., thì những đối tượng này tự ý đưa hình chị lên mạng xã hội cho rằng chị lừa đảo chuyên nghiệp và đe dọa tính mạng nếu chị ra khỏi nhà. Đỉnh điểm là vào ngày 7/10 vừa qua, các đối tượng này gọi hơn 40 cuộc vào số điện thoại của chị H. gây áp lực tinh thần, đe dọa đủ kiểu. “Dù sự việc không đúng sự thật, nhưng những ngày qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, danh dự, công việc cũng như cuộc sống hàng ngày của tôi. Người thân thấy hình ảnh của tôi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, liên tục gọi hỏi thăm, nhắc nhở coi chừng dính bẫy các công ty tín dụng đen”, chị H. cho biết.
Chị H. không phải là trường hợp duy nhất bỗng dưng bị bêu ảnh lên facebook để đòi nợ hoặc đe dọa, mà gần đây nhiều người trong tỉnh cũng trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ”. Hầu hết những kiểu đòi nợ trên facebook, zalo thường lập rất nhiều nick ảo, sim rác, sau đó đi bình luận, nhắn tin, tag facebook để đòi nợ. Những trường hợp bị bêu ảnh để đòi nợ trên mạng xã hội có thể xuất phát từ việc nạn nhân có người thân vay tiền nhưng đã quá hạn mà chưa thanh toán, hoặc có thể do nạn nhân bị đánh cắp thông tin cá nhân để vay tiền, hoặc cũng có thể do người đi đòi nợ bị nhầm người. 2 ngày nay, chị H. liên tục đăng facebook cá nhân cảnh báo sự việc và đã trình báo công an, chính quyền địa phương hy vọng cơ quan chức năng sớm triệt phá đường dây cho vay nặng lãi và có biện pháp ngăn ngừa tình trạng tương tự, gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương và đời sống của nhân dân.
Liên quan đến hoạt động tín dụng đen, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình - Mai Văn Vụ yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn trong phạm vi chức năng quản lý của mình tăng cường công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, công nhân, người lao động và cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn huyện đề phòng bị lôi kéo vào hoạt động tín dụng đen. Không vay tiền qua App không rõ nguồn gốc; không được nhân danh hoặc cung cấp số điện thoại cơ quan, doanh nghiệp, đồng nghiệp để vay tiền. Đặc biệt, lưu ý, cách xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” quấy nhiễu, đe dọa, bôi nhọ. Theo đó, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). Bên cạnh đó, thông báo, hướng dẫn cách xử lý như trên cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền. Trường hợp bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, nơi sinh sống...
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin: hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.